/ Tư vấn
/ Chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người khuyết tật

Chính sách hỗ trợ Covid-19 cho người khuyết tật

05/08/2021 02:27 |

(LSVN) - Chính phủ đã có những chính sách, quy định gì nhằm hỗ trợ người khuyết tật vượt qua đại dịch Covid-19? Bạn đọc H.H.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Theo khoản 1, Điều 2, Luật Người khuyết tật (2010): “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Các dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật được nêu rõ tại khoản 1, khoản 2 Điều 3. Tại Điều 5 nêu rõ Chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật đã bao phủ mọi mặt đời sống, người khuyết tật tùy vào dạng khuyết tất có người có thể tham gia hoạt động kinh tế, có người không thể tham gia hoạt động kinh tế do suy giảm chức năng vận động, nhận thức (tức khuyết tật nặng).

Hiện nay, Chính phủ mới tập trung vào hỗ trợ nhóm lao động thất nghiệp, mất việc làm và thu nhập do đại dịch Covid-19, đối với các nhóm đối tượng khác bị tác động do dịch bệnh là không lớn, nên Chính phủ mới ưu tiên nhóm đối tượng lao động.

Tuy nhiên, nếu nhóm đối tượng người khuyết tật nhẹ tham gia hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp có sử dụng lao động khuyết tật, hoặc doanh nghiệp của người khuyết tật (thông thường người khuyết tật ở các địa phương thường mở các hợp tác xã, các hộ kinh doanh ở các làng nghề…) theo Bộ luật Lao động quy định bị thất nghiệp, mất việc làm, bị ngừng việc… thì hoàn toàn có thể tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: nNười lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Ngoài ra, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng, “mức mới” áp dụng từ ngày 01/7/2021 đối với "Người khuyết tật và các nhóm đối tượng khác", trước đây, các đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP.

Ngoài được trợ cấp hàng tháng, người khuyết tật còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, đây cũng chính là những quan tâm sát sao của Chính phủ đối với người khuyết tật và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng trong mọi mặt đời sống – kinh tế và xã hội.

Cụ thể, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định rõ các mức: Người khuyết tật “đặc biệt nặng” mức hỗ trợ là 720.000 đồng/người/tháng; trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng và người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng mức hỗ trợ mỗi đối tượng là 900.000 đồng/người/tháng. Còn đối với với Người khuyết tật “nặng” mức hỗ trợ là 540.000 đồng/người/tháng; trẻ em khuyết tật nặng và người cao tuổi khuyết tật nặng mức hỗ trợ cho mỗi đối tượng là 720.000 đồng/người/tháng.

QUÝ VŨ

Tài khoản trên website kiếm tiền online bị đóng băng có kiện được không?

Lê Minh Hoàng