Chuyện khởi nguồn từ việc đại sứ của 10 nước ở Thổ Nhĩ Kỳ - gồm Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Phần Lần, Na Uy, Thuỵ Điển và New Zealand cùng nhau lên tiếng yêu cầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho nhà hoạt động văn hóa Osman Kavala.
Người này bị phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam từ 04 năm nay. 10 vị sứ thần kia viện dẫn phán xử của Tòa án Nhân quyền Châu Âu năm 2019 yêu cầu chính quyền Thổ Nhĩ Kỹ trả tự do cho ông Kavala làm cơ sở cho đòi hỏi nói trên. Ông Kavala thuộc diện những người công khai phê phán và chống đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Rayyip Erdogan gay gắt nhất.
Các vị sứ thần kia làm mếch lòng ông Erdogan, ông này dọa sẽ trục xuất 10 vị đại sứ. Sau đấy, ông Erdogan cho giới báo chí Thổ Nhĩ Kỳ biết là đã nói với Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ rằng cần phải trục xuất 10 vị đại sứ kia. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không có hành động gì. Phát ngôn của ông Erdogan cho dù sau đó không được triển khai thực hiện cụ thể cũng đã làm chấn động mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với 10 quốc gia liên quan.
10 vị đại sứ nói trên đã thông qua mạng xã hội Twitter để khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh và đầy đủ tinh thần và lời văn của Điều 41 trong Công ước Viên về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới. Nội dung cụ thể của điều này là các nhà ngoại giao không được can thiệp vào công chuyện nội bộ của nước sở tại. Dường như chỉ chờ và chỉ cần có thế, ông Erdogan ngay lập tức cho rằng 10 vị đại sứ kia đã có nhận thức mới, cầu thị và biết sai nên không còn bị trục xuất nữa.
Trong số 10 nước liên quan kia có nhiều đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ cùng là thành viên của NATO và đối tác rất quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu. Chỉ riêng thực tế ấy thôi đã đủ để cho thấy việc trục xuất cùng một lúc đại sứ của 10 nước không phải là chuyện nhỏ và không gây hệ lụy tai hại gì.
Xưa nay trong thế giới ngoại giao quốc tế chưa từng xảy ra chuyện tương tự. Trục xuất đại sứ hàm ý quan hệ chính trị ngoại giao giữa các quốc gia liên quan cách quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức không còn xa. Vì lý do đối nội, ông Erdogan không thể không phản ứng gì và càng không thể chấp nhận hành động nói trên của 10 vị đại sứ.
Theo thông lệ trong thế giới ngoại giao, chính phủ của nước đồng minh hay đối tác có thể yêu cầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ làm việc này hay điều khác cũng như các vị sứ thần có thể đặt vấn đề trong trao đổi kín trực tiếp với chính quyền sở tại. Nhưng yêu cầu công khai như họ đã làm thì vừa “vuốt mặt không nể mũi” đối với ông Erdogan vừa không thể tránh khỏi bị phía Thổ Nhĩ Kỳ coi là can thiệp vào công chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan có cơ sở để viện dẫn cả Luật quốc gia lẫn Luật quốc tế để trục xuất các vị sứ thần này. Nhưng vì hệ lụy chính trị mà ông Erdogan lại chỉ có thể dụng luật một cách nửa vời chứ không dám triệt để thật sự.
Các vị sứ thần kia tránh sự trừng phạt của Luật pháp quốc gia của nước sở tại và Luật pháp quốc tế (Công ước Viên về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới) bằng cách công khai - nhưng lại tự xưng trong khi không bị khảo - cam kết tuân thủ quy định không can thiệp vào công chuyện nội bộ của nước sở tại. Như thế có nghĩa là không chính thức nhận sai và xin lỗi, nhưng công khai thể hiện cầu thị, biết sợ và cam kết không tái phạm. Bên nào cũng giữ được thể diện, cũng đều đạt được mục đích chính trị đối nội cũng như đối ngoại. Chỉ có Luật bị bỡn cợt và lợi dụng thôi.
HẠ NHAM/PLVN