/ Góc nhìn
/ 'Chợ bằng Đông Đô' - Bộ Giáo dục và Đào tạo vô can?

'Chợ bằng Đông Đô' - Bộ Giáo dục và Đào tạo vô can?

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định đường dây cấp văn bằng 2 Anh ngữ tại Trường Đại học Đông Đô đã thiết lập thành một hệ thống liên kết nhiều tỉnh thành và cơ sở đào tạo để cấp - nhận bằng cử nhân giả mà không cần qua tuyển sinh, đào tạo, thậm chí khỏi cần cả bài thi để hợp thức hóa.

Đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng giả.

Bản chất thực sự của việc cấp - nhận bằng cử nhân tiếng Anh này là mua - bán, cả bên cấp và bên nhận đều ý thức rõ động cơ của mình, bên cấp tự tạo ra các hình thức bán, bên nhận tự nguyện mua và cả hai bên đều biết đây là bằng giả. Giả ở chỗ, không được phép cấp bằng cứ cấp, không phải học vẫn có bằng cứ nhận, phương thức thực hiện giao dịch 100% bằng tiền mặt. Thực sự, đây là một một cái chợ bằng, hoạt động công khai và tổ chức quy mô dưới biển hiệu Đại học Đông Đô.

Theo kết luận của cơ quan điều tra về sai phạm của Trường Đại học Đông Đô có dấu hiệu Bộ Giáo dục và đào tạo buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho trường sai phạm.

Mới đây, trả lời báo chí về vấn đề này, đặc biệt việc đưa thông tin tuyển sinh của Đại học Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ nhằm hợp thức hóa sai phạm của trường này như một sự tiếp tay, Bộ Giáo dục có văn bản chính thức khẳng định: "Hoàn toàn không có việc các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh". Còn nội dung tổng thể về sai phạm của Trường Đông Đô, Bộ này khẳng định "trong vụ việc này, không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường vi phạm". Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn vô can trong các sai phạm xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, dư luận thực sự "choáng váng" với sự quản lý theo kiểu "phủi tay" này.

Những sai phạm của Trường Đại học Đông Đô thực sự là sự chà đạp lên pháp luật và đạo lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hành vi đó biến tri thức thành thứ hàng hóa rẻ tiền, đồng nghĩa với việc ngụy tạo nên những nhà trí thức giả, học giả rởm, nô lệ của bằng cấp và hư vinh, dẫn dắt giáo dục vào con đường u mê đạo lý, lạc lối trong sự giả dối và lẫn lộn thật giả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể vô can trong chuyện này, ngược lại, có trách nhiệm rất lớn, ngay trách nhiệm danh dự thôi cũng đủ để người quản lý từ chức chứ chưa nói đến các trách nhiệm thực tế khác. Không thể xem chuyện này là nhẹ, lại càng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình theo kiểu "Từ điển còn phải hiệu đính, huống hồ sách giáo khoa?!.  

NHỊ NGỌC

/nguyen-dbqh-can-phai-cong-khai-danh-sach-nhung-ca-nhan-su-dung-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do.html