/ Góc nhìn
/ Cho từ chức thì hơn

Cho từ chức thì hơn

07/05/2022 14:16 |

(LSVN) - Việc Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh xin nghỉ hưu trước tuổi và được chấp nhận đã tạo ra một luồng dư luận về các trường hợp “hưu sớm”.

Ảnh minh họa. 

Trước đó không lâu, nguyên Cục phó Cục Thuế Bình Định và Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bình Định chơi golf trong mùa dịch cũng xin nghỉ hưu sớm trong khi dư luận đòi hỏi các ông này nên từ chức thì hợp pháp luật và đạo lý, lại được lòng dân.

Tương tự, trường hợp của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm trong cương vị lãnh đạo của mình cũng được nghỉ hưu trước tuổi. Lãnh đạo tỉnh này khẳng định: “Về hưu trước tuổi không phải là “hạ cánh an toàn”, sai phạm vẫn tiếp tục xử lý”.

Tại Quảng Ngãi, vào năm 2020, có đến 60 trường hợp là cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến xã xin nghỉ hưu trước tuổi. Vào thời điểm đó, tỉnh này có nhiều cán bộ đang bị xem xét kỷ luật, về hưu sớm có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất để khỏi mang tiếng bị cách chức hoặc có bị thì cùng làm là cách chức trong quá khứ thôi.

Về hưu trước tuổi không hẳn chỉ toàn điều không tốt và gây nên dư luận xấu. Đà Nẵng từng có chủ trương khuyến khích cán bộ lãnh đạo về hưu sớm “nhường ghế cho lớp trẻ”. Trên thực tế, đã có những người tự nguyện rút lui khỏi chính trường và họ là lãnh đạo tốt, được lòng dân, việc họ về hưu sớm gây sự tiếc nuối cho nhiều người.

Trở lại với trường hợp của ông Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh. Ông này đang bị thanh tra sau đơn tố cáo ăn chia tiền Quỹ phòng chống Covid-19, trước đó, những phát ngôn và cách hành xử không đúng mực của ông đã gây bão dư luận, đồng thời, trên báo chí xuất hiện các nghi vấn về bằng cấp cũng như sự thăng tiến “thần tốc”, “đốt cháy giai đoạn” của ông. Về hưu sớm thực ra một sự chạy trốn trách nhiệm mà thôi, lẽ ra, ông cần ở lại, giải quyết những hậu quả mà mình gây ra với cơ quan, chịu trách nhiệm là người đứng đầu, sau đó thì nên từ chức. Đặc biệt, trong giai đoạn này, trung ương đang có chủ trương xem xét quy trình từ chức, ai được phép, ai không. Có trường hợp từ chức cũng không được, phải bị cách chức.

Về hưu trước tuổi ở những trường hợp “tay đã nhúng chàm” không chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm hay thoát khỏi sự trừng phạt mà còn được hưởng các chế độ ưu đãi, có thêm tiền, lương hưu vẫn thế, tội gì không nghỉ.

Vẫn biết, trong chốn quan trường thì việc ưu ái, nâng đỡ và thông cảm cho nhau là thể hiện cái tình đồng liêu giúp nhau rũ áo, từ quan nhẹ nhàng. Thế nhưng, còn pháp luật, đạo lý và dư luận thì sao? Không thể trọng tình mà khinh lý được! Giả sử, những khuyết điểm, sai phạm không bị phanh phui thì những cán bộ đang giữ cương vị lãnh đạo kia có xin nghỉ hưu trước tuổi hay tìm đủ cách để giữ ghế và kéo dài tuổi thọ cái ghế của mình?

 NHỊ NGỌC

'Rẻ rúng' học vị tiến sĩ

Lê Minh Hoàng