Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản; Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ngoài ra người lao động cũng cần đáp ứng thêm điều kiện về thời gian tham gia để được hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
Về thời gian hưởng chế độ khi vợ sinh con, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 5 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.
- 7 ngày làm việc: Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
- 10 ngày làm việc: Vợ sinh đôi; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Thời gian nghỉ việc này không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, lao động nam cũng được hưởng các chế độ thai sản và thời gian nghỉ chế độ căn cứ theo quy định trên.
HỒNG HẠNH
Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?