Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc chủ nhà có phải liên đới chịu trách nhiệm hay không phụ thuộc vào hai yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu trường hợp chủ nhà biết việc người khác thuê sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật mà vẫn cho thuê thì chủ nhà cũng sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm.
Theo đó, nếu người thuê nhà dùng nhà thuê để làm nơi mua bán, sử dụng ma túy thì người cho thuê nhà có thể bị xử lý về tội "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy". Tương tự, nếu người thuê nhà dùng nhà thuê để tổ chức đánh bạc thì người có nhà cho thuê có thể bị áp dụng tội "Gá bạc"; nếu người thuê nhà dùng nhà thuê để thực hiện một số loại tội phạm khác thì chủ nhà có thể bị xử lý về một trong các tội "Che giấu tội phạm" hoặc "Không tố giác tội phạm".
Trong trường hợp, người cho thuê nhà không biết người đi thuê nhà đang sử dụng nhà của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và khi cho thuê nhà, nếu chủ nhà thể hiện rõ việc này bằng một hợp đồng cụ thể với mục đích sử dụng nhà không trái pháp luật, bản thân chủ nhà không tham gia bất kỳ một giai đoạn nào của hành vi phạm pháp do người thuê nhà thực hiện thì chủ nhà không phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự.
Chính vì vậy, để tránh rủi ro, người có nhà cho thuê cần có hợp đồng bằng văn bản với điều kiện rõ ràng với người thuê nhà là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình trong quá trình sử dụng nhà thuê.
Trước đây, Luật Nhà ở quy định, hợp đồng thuê nhà ở từ 06 tháng trở lên phải có công chứng chứng thực. Tuy nhiên, Luật Nhà ở (sửa đổi) hay Luật Công chứng cũng đều có quy định là hợp đồng cho thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng thực. Cho nên, hợp đồng cho thuê nhà ở hiện nay không bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực, hợp đồng viết tay vẫn được chấp thuận. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nội dung của hợp đồng đó phải đầy đủ theo quy định của Luật Nhà ở cũng như Bộ luật dân sự liên quan đến quyền, nghĩa vụ giữa bên cho thuê và bên thuê.
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, trước tiên phải xác minh thông tin của người thuê nhà bằng việc kiểm tra camera, trao đổi trực tiếp với bên thuê. Nếu có căn cứ cho thấy, người thuê nhà đó đã sử dụng vào mục đích trái pháp luật thì chủ nhà có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm đồng thời có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Căn cứ theo Điều 171 Luật Nhà ở 2023 thì bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bên cho thuê nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Bên thuê không trả đủ tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do đã được thỏa thuận trong hợp đồng;
- Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng;
- Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
- Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
- Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;
- Trường hợp bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở trở xuống. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.