/ Luật sư trực ban
/ Căn hộ chung cư chưa sử dụng chủ sở hữu có phải đóng phí dịch vụ?

Căn hộ chung cư chưa sử dụng chủ sở hữu có phải đóng phí dịch vụ?

12/07/2023 11:10 |

(LSVN) - Phí dịch vụ chung cư là khoản chi phí cư dân bắt buộc phải đóng khi sở hữu và sử dụng căn hộ chung cư. Vậy, trong trường hợp chủ hộ chưa sử dụng chung cư đó thì có phải đóng phí dịch vụ không?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, phí dịch vụ chung cư là khoản chi phí mà chủ sở hữu chung cư cần đóng cho ban quản lý để chi trả cho các công việc như:

Chi phí trực tiếp gồm:

- Chi phí sử dụng năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu và các chi phí khác (nếu có) để phục vụ công tác vận hành nhà chung cư;

- Chi phí nhân công điều khiển và duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị nhà chung cư;

- Chi phí cho các dịch vụ trong khu nhà chung cư như: bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vư­ờn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác;

- Chi phí điện chiếu sáng công cộng, nước công cộng trong khu nhà chung cư;

- Chi phí văn phòng phẩm, bàn ghế, phòng làm việc, chi phí điện, nước sinh hoạt và một số chi phí khác của bộ phận quản lý nhà chung cư.

Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp quản lý vận hành được phân bổ vào giá dịch vụ nhà chung cư:

- Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương, chi phí BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn và các khoản trích nộp khác từ quỹ lương trả cho bộ phận quản lý của doanh nghiệp;

- Chi phí khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp quản lý vận hành.

Chi phí cho Ban quản trị (nếu có) gồm chi phí phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên Ban quản trị và các chi phí hợp lý khác.

Liên quan đến vấn đề căn hộ chung cư không ở có phải đóng phí dịch vụ hay không? Luật sư cho biết, trên thực tế có không ít trường hợp sau khi mua nhà chung cư do chưa có nhu cầu sử dụng hoặc vì lý do nào đó mà chưa vào ở, khi đó nhiều người thắc mắc trường hợp này có phải đóng phí dịch vụ chung cư hay không.

Theo khoản 3, Điều 4, Thông tư 02/2016/TT-BXD về nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định:

"3. Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật".

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì việc thu phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành. Vì vậy, để xác định trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở có phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư hay không còn căn cứ vào thỏa thuận của các bên, cụ thể:

- Trường hợp trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có nêu rõ các trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở thì không phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư;

- Trường hợp trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có nêu rõ thời điểm nhận bàn giao căn hộ thì sẽ tính phí quản lý vận hành nhà chung cư.

Tóm lại, để xác định chính xác việc đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở có phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư hay không thì phải dựa vào hợp đồng mua bán căn hộ, thỏa thuận của các bên về vấn đề này.

NGUYÊN VŨ

Khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà nước thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm