Ảnh minh họa.
Việc chứng kiến nạn nhân bị cướp, sát hại mà không can ngăn và bỏ đi bị xử lý thế theo quy định pháp luật hiện nay?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, về hung thủ, các trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra khi cơ quan điều tra đã bắt giữ được đối tượng gây án. Tuy nhiên, đối với người chứng kiến nạn nhân đang trong hoàn cảnh nguy hiểm tới tính mạng và thậm chí sau đó biết nạn nhân đang bị giết hại mà không hề có động thái cứu giúp, hành vi này cần nhanh chóng được cơ quan điều tra xác định để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, bởi theo Luật sư hành vi này có dấu hiệu của tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định tại Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, điều luật quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, vì thế người chứng kiến vụ giết người nhưng không cứu giúp có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 02 năm tù.
Điều 132, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" như sau: 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
HUY HOÀNG
Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng pháp luật