Sau khi nhận được bản án phúc thẩm tuyên bố bị kết tội oan, ông James đã làm nhiều đơn yêu cầu cơ quan thi hành án trả lại các tài sản bị thu giữ.
Trong đó có việc yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa phải trả lại tiền bán con tàu biển Đường Thủy I.
Do là người nước ngoài, không có người thân tại Việt Nam, sau khi được giải oan, trả tự do, ông James gần như bị suy sụp hoàn toàn, tài sản bị mất trắng. Sau khi ở tù về, ông sống trong nghèo khổ, không thể trở về Canada được vì một phần không có tiền, một phần chờ đòi lại tài sản, chờ bồi thường oan sai.
Suốt thời gian đó, ông James sống nhờ vào lòng tốt của một số người hảo tâm ở TP. HCM…
Sang tên tài sản khi bản án… chưa có hiệu lực
Nghiên cứu hồ sơ về phần dân sự, chúng tôi khá bất ngờ về những cách hành xử của cơ quan chức năng đối với phần tài sản bị kê biên của ông James. Điển hình như hợp đồng vận chuyển với Công ty Vận tải biển Khánh Hòa (VTBKH) mà ông James nợ tiền cước chưa thanh toán.
Cuối năm 1991, ông James bị công ty này kiện ra Trọng tài kinh tế TP. HCM. Trọng tài kinh tế ra quyết định buộc ông James phải trả cho công ty này 213.000 USD, nhưng ông James không đồng ý nên đã khiếu nại.
Thế nhưng, khi đang chờ kết quả khiếu nại thì tháng 8/1992, ông James lại bị bắt với tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN". Khi tòa chưa có phán quyết cuối cùng thì con tàu Đường Thủy I của ông đã bị giao cho Công ty VTBKH quản lý, khai thác trong thời gian… chờ xét xử?
Ngày 18/2/1995, TAND TP. HCM tuyên phạt ông James 2 năm 6 tháng 5 ngày tù. Dựa vào bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật này, Công ty VTBKH lập tức làm thủ tục đăng ký chủ quyền với tàu Đường Thủy I và giữ nguyên tên tàu hiện tại. Việc "sang tên" con tàu này diễn ra chóng vánh trước khi TAND tối cao tại TP. HCM mở phiên tòa phúc thẩm chỉ… bốn ngày.
Sau khi ông James kháng cáo và được Tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử, tuyên bố vô tội, ông James bắt đầu hành trình đòi lại tài sản, danh dự đã mất của mình. Tuy nhiên hành trình này diễn ra trong vô vọng cho đến khi ông ngã bệnh và chết trong cô độc, không có người thân bên cạnh.
Điển hình như khi đi đòi con tàu Đường Thủy I từ Công ty VTBKH thì công ty này đã không còn tồn tại và con tàu cũng đã sang tên đổi chủ khác một lần nữa. Lý do trước đó, ngày 19/7/1996, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định giải thể Công ty VTBKH. Trước khi bị giải thể, công ty này đã bán tàu Đường Thủy I với số tiền 595 triệu đồng cho một đơn vị khác và nộp vào ngân sách tỉnh.
Dù vậy, tháng 3/1997, khi ông James làm đơn yêu cầu thi hành án thì TAND tối cao cũng có công văn gửi Phòng Thi hành án TP. HCM (nay là Cục Thi hành án dân sự TP. HCM) đề nghị trả lại ngay tài sản cho ông James gồm: 7.960 USD, con tàu Đường Thủy I, cùng nhiều tài sản khác.
Sau đó, Phòng Thi hành án TP. HCM đã ban hành quyết định thi hành án, nhưng việc thi hành án gặp khó khi Công ty VTBKH đã bị giải thể, nên suốt từ năm 1997 đến nay, yêu cầu thi hành án của ông James vẫn chưa được giải quyết.
Ai phải trả con tàu cho ông James?
Cơ quan thi hành án cho rằng do Công ty VTBKH đã giải thể nên UBND tỉnh Khánh Hòa phải có nghĩa vụ trả lại khoản tiền 595 triệu đồng là tiền bán con tàu cho ông James.
Trong công văn đề ngày 18/9/1997, Phòng Thi hành án TP. HCM gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định việc Công ty VTBKH bán tàu Đường Thủy I, được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa trong khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật là trái pháp luật.
Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa phải chuyển số tiền bán con tàu là 595 triệu đồng về tài khoản của Phòng Thi hành án TP. HCM để trả cho ông James. Thế nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa không chịu chuyển tiền với lý do ông James vẫn đang còn nợ tiền vận chuyển với Công ty VTBKH.
Do UBND tỉnh Khánh Hòa không chấp hành quyết định thi hành án, ngày 14/5/1998 Phòng Thi hành án TP. HCM ra quyết định cưỡng chế thi hành án với UBND tỉnh Khánh Hòa bằng việc kê biên và chuyển 595 triệu đồng trong tài khoản của UBND tỉnh này về tài khoản của Phòng Thi hành án TP. HCM. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước tỉnh Khánh Hòa không chuyển tiền theo quyết định cưỡng chế.
Từ đó, việc đòi lại tài sản của ông James cứ ngày ngày trôi qua trong vô vọng.
Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai
Không chỉ vô vọng trong việc đòi lại tài sản bị thu giữ, xử lý trái luật, ông James còn mang một nỗi buồn khác cho đến khi qua đời, đó là việc chưa được cơ quan tố tụng xin lỗi và bồi thường vì bị ở tù oan.
Sau khi được tòa án cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội, ông James chỉ biết mỗi việc làm thủ tục đòi lại tài sản bị kê biên của mình. Loay hoay với việc đòi tài sản, ông James cũng không hề biết mình sẽ được bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật. Để có căn cứ đòi bồi thường oan sai, ông James phải có bản án sơ thẩm nhưng thời điểm đó tòa không cung cấp cho ông bản án này.
Mãi đến năm 2007, ông James mới được luật sư trợ giúp miễn phí hướng dẫn làm đơn yêu cầu TAND TP. HCM cung cấp bản án sơ thẩm. Có bản án sơ thẩm, ông James đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai theo nghị quyết 388 với số tiền 27,4 tỉ đồng, bao gồm tổn thất về tinh thần và vật chất cho việc ông bị bắt giam oan, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị mất thu nhập, mất việc…
Tuy nhiên, đơn gửi đến TAND TP. HCM (có biên nhận), nhưng ông James không nhận được phản hồi từ tòa án? Sau đó ông bị bệnh, phải nằm viện dài ngày nên không thể tiếp tục đến các cơ quan tố tụng yêu cầu bồi thường cho mình. Do bị bệnh nên ông cũng không liên lạc được với luật sư để tiếp tục việc đòi tài sản và yêu cầu bồi thường.
Gần đây, ông Đặng Thành Long (người phiên dịch), mới đưa ông James tìm gặp luật sư Phan Trung Hoài nhờ giúp đỡ. Ông Hoài đã làm đơn gửi TAND TP. HCM đề nghị xác minh thông tin trước đây tòa này đã xử ông James có tội và việc ông James đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai? Tuy nhiên, đến nay TAND TP. HCM vẫn chưa trả lời về việc này. Trong khi chờ tòa phản hồi, ông James đã qua đời.
Gần 30 văn bản liên quan đến việc yêu cầu thi hành án Trong suốt 23 năm qua đã có gần 30 văn bản của cơ quan chức năng liên quan đến việc yêu cầu thi hành án trả lại tài sản cho ông James, trả lời các khiếu nại và báo cáo giám sát việc thi hành án. Tuy nhiên, đến khi ông James qua đời, các tài sản của ông vẫn chưa được trả lại. |
Ông James mất, việc thi hành án, bồi thường ra sao? Luật sư Phan Trung Hoài cho biết về yêu cầu bồi thường oan sai, phía tòa chưa trả lời chính thức nên ông chưa tính toán hết được mức thiệt hại cụ thể. Ông cho biết vẫn đang chờ thông tin từ phía tòa án để có những bước đi tiếp theo. "Hiện nay, ông James đã qua đời, nhưng ông còn những người thừa kế ở Canada và Hong Kong. Do đó việc bồi thường sẽ không dừng lại mà sẽ được thực hiện để những người thừa kế tiếp nhận. Trước mắt, do tình hình dịch Covid-19 nên những người thân của ông James chưa sang Việt Nam được, nhưng sau khi làm các thủ tục thừa kế, họ có thể tiếp tục ủy quyền cho luật sư để làm việc này", Luật sư Hoài cho biết. |
Luật sư giúp miễn phí vì thấy ông James quá khổ Luật sư Phan Trung Hoài nhớ lại: "Sau khi ra tù, trắng tay, khoảng năm 1998 ông James được giới thiệu gặp tôi nhờ hỗ trợ pháp lý đòi lại tài sản. Tôi đọc bản án phúc thẩm và nhận lời giúp miễn phí cho ông ấy thông qua một văn bản ủy quyền có công chứng vào ngày 25/3/1998. Toàn bộ những việc liên hệ với cơ quan chức năng, các văn bản trả lời của cơ quan chức năng trong ngần ấy năm họ đều trao đổi với tôi. Dù có một thời gian dài mất liên lạc với ông James nhưng việc khiếu nại với các cơ quan thi hành án thì tôi vẫn thực hiện". Bẵng đi một thời gian dài mất liên lạc, bất ngờ cách đây 3 tháng, ông Long mới đưa ông James đến gặp lại luật sư Hoài và tiếp tục nhờ ông Hoài trợ giúp. Lúc đó ông James đã bệnh khá nặng và phải sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người. Luật sư Hoài đã góp tiền cùng ông Long đóng viện phí cho ông James. Biết hộ chiếu ông James quá hạn hơn 6 tháng nhưng không có tiền làm lại, luật sư Hoài phải bỏ ra gần 30 triệu đồng để đóng tiền nộp phạt quá hạn và các khoản phí giúp ông. "Tôi thấy ông James đến nước mình làm ăn nhưng lâm vào tù tội oan sai, trắng tay thì mình giúp được gì cứ giúp thôi. Khi còn khỏe, ông James có nhắn tin cho tôi là nếu đòi được tài sản thì sẽ hoàn trả một phần chi phí cho luật sư. Ông ấy cũng nhiều lần đề nghị làm hợp đồng hứa thưởng, nhưng tôi thấy ông ấy quá khổ nên không làm", Luật sư Hoài chia sẻ. |
HOÀNG ĐIỆP/TTO