(LSVN) - Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được gửi đến Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, dự kiến khai mạc ngày 20/10. Dự án Luật này tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, một số Đại biểu Quốc hội, một số chuyên gia cho rằng việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe không nên chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Đây là dự án Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song song với Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều, trong đó, Chương III quy định về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bao gồm giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe.
Theo tờ trình dự án Luật, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án. Trong đó, theo phương án 1, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phương án 2, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Theo tờ trình dự án Luật, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1. Tức là việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ được chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Không có căn cứ pháp lý
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Việc chuyển giao như thế này là không có căn cứ pháp lý, về lý luận thì trái với Nghị quyết số 17 ngày 01/8/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Theo Thiếu tướng Bộ, nhiệm vụ gì dân sự làm được thì sẽ được phân cho bộ không thuộc Công an, Quân đội để họ có thể tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
"Thực chất từ năm 1945, nhiệm vụ này đã được chuyển từ Bộ Công an sang bên Bộ Giao thông vân tải và khẳng định một điều là Bộ Giao thông vận tải về cơ bản là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này mặc dù vẫn còn tồn taị một số những vấn đề như là bằng giả, chất lượng kém,... vấn đề này cần phát hiện, khắc phục và nâng cấp lên", Thiếu tướng Bộ nói.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ rằng dự thảo quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe không nên giao cho Bộ Công an mà nên để cho Bộ Giao thông vận tải như thời điểm hiện nay bởi Bộ Giao thông vận tải quản lý lĩnh vực này cách đây đã chục năm nay rồi, từ sau khi có Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Trung ương và đã được ban hành Nghị quyết rất là rạch ròi, quy định những nội dung nào, những vấn đề nào thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước mà xã hội cần quản lý thì nên cho các cán bộ ngành liên quan quản lý. Lực lượng vũ trang không nên dành thời gian để quản lý các vấn đề xã hội hóa mà nên tập trung lo cho đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo đưa lực lượng vũ trang ngày càng tinh nhuệ thì đó mới là phù hợp”.
Gây lãng phí
Cũng theo ông Bộ, việc chuyển giao như này sẽ gây lãng phí. Khi chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an sẽ dẫn đến câu chuyện là hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức, gồm: 600 cán bộ công chức quản lý, 1700 công chức viên chức sát hạch lái xe đang làm tại các cơ quan của bên Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc và hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe hiện nay đang tiến hành xã hội hóa vẫn làm tốt việc đào tạo của mình. Điều này sẽ dẫn tới lãng phí, bởi khi chuyển giao sang Bộ Công an thì Bộ Công an sẽ phải bố trí kinh phí rồi tổ chức lại bằng đó cán bộ công chức viên chức để thực hiện công việc được chuyển giao.
Theo ông Hòa, việc chuyển giao này là rườm rà và sẽ lãng phí ngân sách nhà nước. Trong nhiều năm qua, Bộ Giao thông vận tải quản lý nội dung này vẫn còn nhiều cái bất cập. Tuy nhiên, mình đã thấy những bất cập đó rồi thì nên khắc phục bằng cách Bộ Giao thông và Bộ Công an phối hợp trực tiếp cùng làm nhiệm vụ này.
Ví dụ như việc cấp bằng lái xe, trong hội đồng sát hạch, Bộ Công an sẽ đưa người đến, cùng thực hiện và làm công tác giám sát thì sẽ thuận lợi và chính xác hơn. Không phải chuyển giao cơ sở vật chất, không phải chuyển giao con người, mọi thứ vẫn như thế, chỉ thay đổi nội dung và giám sát kiểm tra để vấn đề này được đảm bảo và đúng chất lượng để người dân tin tưởng hơn.
"Ai cấp bằng cũng được, nhưng vấn đề ở chỗ là từ trước đến giờ Bộ Giao thông vận tải đã làm rồi và mọi thứ đang ổn định thì tại sao lại phải chuyển đổi để gây ra khó khăn trong chuyển giao cơ sở vật chất, con người rồi tăng biên chế của ngành Công an lên. Có hàng trăm cơ sở đào tạo giấy phép lái xe và sát hạch, tôi cho rằng đây là những cơ sở rất lớn, vừa là của Bộ Giao thông vận tải, vừa là xã hội hóa và hàng ngàn các công chức viên chức, nhân viên của các cơ sở như thế sẽ đi đâu về đâu khi chuyển giao sang cho Bộ Công an. Nên tôi nghĩ rằng, việc này là không nên, tôi có quan điểm là nên giữ lại chức năng của Bộ Giao thông vận tải là đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe”, ông Hòa nêu quan điểm.
"Vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Đại biểu Hòa cho rằng, vừa để Bộ Công an sát hạch, cấp giấy phép lái xe, vừa phạt vi phạm thì chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Theo ông, Bộ Công an có đầy đủ thẩm quyền, có công cụ trong tay để thực hiện, xử lý hành vi vi phạm đối với những con người cấp lỗi và sát hạch lái xe có hành vi tiêu cực nhưng Bộ Giao thông thì không có thẩm quyền đó, nên đâu đó sẽ hạn chế được tình trạng này.
Thế nhưng bây giờ, nếu tất cả đều do Bộ Công an đảm nhiệm thì sẽ không có ai đứng ra giám sát, nếu có tiêu cực xảy ra sẽ không ai xử lý, rồi lại Công an xử lý Công an. “Tôi nghĩ, Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm về việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, chống vi phạm và phòng chống tham nhũng,… thì nên tập trung vào nhiệm vụ này thì sẽ phù hợp và hay hơn”, ông Hòa nói.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Nếu vì lý do còn sai phạm cấp bằng giả để đề xuất chuyển sang Bộ Công an quản lý thì sẽ liên quan dẫn tới nhiều câu chuyện bằng giả khác, ví dụ như giấy chứng minh thư nhân dân bị cấp giả, hộ chiếu do Công an cấp cũng bị làm giả thì có chuyển thẩm quyền cấp đó ra khỏi Bộ Công an không?. Hay, nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, rồi theo đó, Luật Giao thông đường thủy, Giao thông đường sắt, Giao thông đường hàng không đều tách ra và Bộ Công an sẽ chuyển sang đào tạo phi công, lái tàu hỏa, tàu thủy. Như vậy, có lẽ sẽ phải bỏ Bộ Giao thông vận tải. Hơn nữa, các nước trên thế giới, về cấp bằng lái xe thì đa số các nước đều không phải do Bộ Công an cấp bằng. Mà Việt Nam đã kí Công ước về giao thông đường bộ, trong đó công nhận giấy phép lái xe của nhau. Mẫu phôi bằng của mình là của Bộ Giao thông cấp thì đã nộp lưu chiểu với các nước mà mình đã kí. Nên việc chuyển giao thế này là không hợp lý”. |
PHẠM HƯƠNG