/ Góc nhìn
/ Chuyện từ khóa của năm 2021

Chuyện từ khóa của năm 2021

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Phải chăng, nên chọn “Alo, Covid” làm từ khóa của năm 2021 thì mới thỏa đáng.

Ảnh minh họa.

Năm ngoái, một vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp có trụ sở tại 43 Trần Qúy Cáp, Bình Thạnh, TP. HCM, đã mấy lần khẩn thiết nhờ tôi vào trợ giúp pháp lý kinh doanh. Tôi trì hoãn “để tính xem khi nào có điều kiện sẽ vào”, phần vì ngại đường xá xa xôi, phần vì đang bận trợ giúp về tái cấu trúc cho Công ty cổ phần Thiết bị điện và Hệ thống tự động hóa ở Hà Nội. Đến đầu 2021, khi đã kết thúc phần việc ở Hà Nội, tôi bay vào TP. HCM trợ giúp pháp lý kinh doanh cho đơn vị nói trên.

Theo lịch trình, ngày 25/5, tôi phải bay ra Hà Nội tham dự sự kiện diễn ra theo lịch trình ba ngày (ngày 27 - 29/5), thì 26/5 dịch Covid-19 bùng phát từ vụ việc của hội truyền giáo ở TP. HCM, nên không thể tiếp tục công việc trợ giúp pháp lý ở trong đó nữa. Nhớ lời cổ nhân dạy “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. May thay, sau khi “bắt mạch” chuẩn rồi cũng đã kịp “kê đơn” chính là tổ chức được cấu trúc phù hợp quy định pháp luật, quy chế làm việc, mô tả công việc và quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị và các chức danh chủ chốt, gồm giám đốc, kiểm soát viên, chánh văn phòng.

Ngày nghe tin tức TP. HCM diễn ra hàng nghìn ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong vì Covid-19, không mấy ai không lo âu. Rồi tin dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Bình Dương, lại lan ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tâm lý chung, phổ biến, là oán trách Covid-19. Để thích nghi với tình hình, đã hình thành biết bao hoạt động trực tuyến, từ các hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, các hội thảo, hội nghị trực tuyến khác. Không ít bức xúc khi liên tục các báo đài đăng bài về việc nhiều trở ngại trong việc cho toàn bộ học sinh học trực tuyến, khi mà nhiều gia đình không đủ tiền mua thiết bị. Đặc biệt, đông đảo phụ huynh học sinh không chỉ bất bình, mà còn rất lo lắng khi con em mình lớp 1 phải học trực tuyến hay một số thầy cô giáo lớn tuổi cũng lúng túng trước phương pháp dạy học này.

Nhưng, Covid-19 đã khiến cả xã hội sống chậm lại. Nó khiến mọi người trở nên thận trọng, chắc chắn nhiều hơn, khi phải đối mặt với mọi chuyện trong cuộc sống, kể cả thái độ dè dặt, tỷ mỉ, kỹ lưỡng. Phải chăng Covid-19 cũng có mặt tích cực của nó? Rồi từ chỗ coi “chống dịch như chống giặc”, đến “sống chung với dịch” có lẽ cũng là một sự “đổi mới” chăng? Nguyên lý về tính hai mặt của mọi vấn đề giúp ta xây dựng trạng thái cân bằng mới là điều hiển nhiên.

Ngay công việc trợ giúp pháp lý cho người dân và doanh nghiệp cũng vậy. Một tư vấn viên pháp luật như tôi cũng bận rộn hơn nhờ hoạt động trực tuyến. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, qua zalo, một doanh nhân nhờ trợ giúp vụ khiếu nại về việc Dự án Khu du lịch Trung sơn – Hồ Tràm kéo dài 20 năm gây thiệt hại, bức xúc cho người dân. Sau khi yêu cầu doanh nhân này chuyển phát nhanh toàn bộ hồ sơ vụ việc để nghiên cứu kỹ lưỡng, rồi gửi văn bản đến Ông Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xử lý và trả lời theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính Phủ. Ngày 21/7/2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 8803/UBND-VP, gửi hồi âm cho chúng tôi về ý kiến chỉ đạo xử lý.

Hoặc một doanh nhân khác, vướng vụ hình sự nhờ trợ giúp, chúng tôi đã nghiên cứu và gửi văn bản tới Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xử lý, khi thấy dấu hiệu oan sai đã rõ ràng. Ở Bình Dương, cũng có vụ việc về hành chính xẩy ra tại thị xã Bến Cát cần trợ giúp pháp lý. Ở TP. HCM, một nghệ sĩ nhân dân nhờ trợ giúp việc người bạn đòi ông bán nhà của ông chia đôi, vì 20 năm trước ông đã nhận của người bạn này 300 triệu, với thỏa thuận bằng miệng, góp vào để làm dịch vụ cho thuê căn nhà này.

Cuối năm 2021, một bà cụ đã 85 tuổi nhờ trợ giúp khi hai người con trai đều đã có gia đình riêng, ở cùng nhà của cụ, mà luôn cãi lộn, đánh nhau. Cụ đau lòng và buồn nhưng không biết làm sao, vì cụ ông đã mất từ lâu và cụ bà cũng không muốn có chuyện “sẩy đàn tan nghé”. Nhưng đời là thế, giải pháp chỉ có một là phải bán nhà. Thế nên giải pháp phải bao gồm cả khía cạnh pháp lý và đạo lý, để sao cho đồng thuận được tất cả các bên có liên quan, kể cả bên mua nhà. May mắn thay, giải pháp đã được thực hiện hoàn thiện vào những ngày cuối cùng của năm 2021.

Năm 2021, Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ trên thế giới, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Một số học giả, nhà văn cho rằng, đại dịch là phép thử tốt để xác định và thiết lập những quan hệ xã hội mới, phù hợp, an toàn về thể chất và tinh thần xét trên phương diện giữa các quốc gia, cũng như với từng cá nhân trong quan hệ với bạn bè, đối tác, đồng nghiệp. Ở trong nước, việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra gập nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hay giải thể lớn nhiều so với mọi năm. Chỉ 7 tháng đầu năm đã có gần 80.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và chờ giải thể. Khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại thì thiếu lao động. Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2021 đã có hơn 2,2 triệu lao động bỏ thành phố về quê. Trong khi, con số thất nghiệp của năm 2021 đã là 1,4 triệu người. 

Một số hãng truyền thông đã nêu chuyện bình chọn vaccine Covid-19 là từ khóa của năm 2021. Thực ra, vaccine chỉ là công cụ mà con người tạo ra để đối phó với Covid-19. Trên toàn cầu, các quốc gia đều phải tập trung giảm số người nhiễm và số ca tử vong do Covid-19. Ở Việt Nam, nỗi bận tâm của số đông người dân và các tổ chức cũng chính là Covid-19. Khắp nơi trên toàn cầu, khi chuông điện thoại reo vang, người bắt máy thường nhận được ngay câu hỏi: “Alo, Covid-19 thế nào rồi?”. Dường như, mọi cuộc trao đổi qua điện thoại đều nhắc đến từ “Alo, Covid-19”.

Phải chăng, nên chọn “Alo, Covid” làm từ khóa của năm 2021 thì mới thỏa đáng!

VĂN TÂN

Tín hiệu đầu năm

Lê Minh Hoàng