Ảnh minh họa.
Vạ gió tai bay
Hồi đó, vợ chồng ông Nhựt sống ở Cà Mau, đều là cán bộ nhà nước, chồng là Luật sư tập sự, cán bộ Ban Dân chủ - Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau, vợ là bà Dương Thị Thậm công tác ở một ngân hàng quốc doanh lớn. Họ có hai con trai đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh, dẫu không giàu có nhưng gia đình êm ấm, hạnh phúc. Ngoài công việc cơ quan, ông Nhựt còn mở một cửa tiệm photocopy, đánh máy chữ để có thêm thu nhập...
Năm 1999, hơn hai chục hộ dân mua nền nhà của Công ty Dịch vụ thương mại Cà Mau, do bà Bé Tư làm Giám đốc. Lúc đó chưa ai ngờ hai năm sau bà Bé Tư bị kết án tù chung thân vì tội "Tham ô tài sản" và nhân vật này còn nổi tiếng vì hâm mộ nghệ sĩ cải lương MV “quá đà”. Phóng khoáng với thần tượng nhưng với đối tác thì Giám đốc Bé Tư lại không giữ chữ tín.
Theo hợp đồng, mỗi nền nhà trị giá 70 triệu đồng, vị trí là chợ Nông sản, mặt đường Quang Trung, phường 7, TP. Cà Mau, nhưng sau đó phía Công ty thay đổi, muốn giao nền nhà ở vị trí trong hẻm. Các hộ dân khiếu kiện khắp nơi mà không được giải quyết, nên 09 hộ dân tìm đến nhờ Luật sư Nhựt đấu tranh đòi quyền lợi. Hai bên thỏa thuận là nếu đòi được thì họ trả thù lao bằng 10% giá trị ghi trong hợp đồng (07 triệu đồng/nền) nếu không đòi được thì miễn phí...
Ông Nhựt thay người dân đi đấu tranh, làm đơn gửi Công ty và những nơi có thẩm quyền, nhờ báo chí lên tiếng. Cuối cùng, tháng 06/2001, Công ty Dịch vụ thương mại Cà Mau đã phải thực hiện đúng hợp đồng, trả nền nhà cho người mua ở vị trí đã thỏa thuận, lúc này giá cả trên thị trường đã tăng vọt, mỗi nền trị giá gần tỉ đồng do hạ tầng, đường sá đã ngon lành, nằm ngay vị trí chợ đông đúc.
Một số người vui mừng đến cảm ơn và trả thù lao cho ông Nhựt, nhưng có 05 hộ không muốn thực hiện nghĩa vụ. Thương lượng không được, ông Nhựt đành nộp đơn khởi kiện nhờ tòa án giải quyết. Thấy vậy, một trong những người đó đã làm đơn tố cáo Luật sư Giã Hoàng Nhựt lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chuyện trớ trêu đến thế mà Cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vòng kim cô tố tụng hình sự dần dần thít lên đầu ông Luật sư tập sự tội nghiệp.
Ngày 20/3/2002, ông Nhựt bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú để hầu tra. Cơ quan cũng cho anh nghỉ việc. Tiệm photocopy thuê mặt tiền của một cơ quan tư pháp bị đóng cửa. Cuối tháng 08/2002, VKS hoàn thành cáo trạng truy tố ông Giã Hoàng Nhựt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nhiều tờ báo loan tin.
Đang là cán bộ Mặt trận Tổ quốc của tỉnh, bỗng chốc bị khởi tố, trở thành bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, đất trời như sụp đổ với gia đình ông Nhựt. Ngồi hoài trong nhà, ngại ngùng không dám ra đường, có lần buồn quá lững thững ra quán uống ly cà phê, thì mấy ông bạn vờ không trông thấy khiến ông Nhựt càng thêm hụt hẫng, chán chường. Rồi vợ con phát hiện thấy tâm tính ông Nhựt đã không còn bình thường nữa. Vào bệnh viện, bác sĩ tâm thần bảo ông bị stress - trầm cảm, phải được điều trị kịp thời... Ít ngày sau từ bệnh viện trở về, ông Nhựt ít nói hẳn, suốt ngày ở trong nhà khóa trái cửa, không muốn tiếp xúc với ai.
Con trai đầu của ông Nhựt khi đó học cuối cấp 2, đang từ con nhà công chức, bỗng bố bị khởi tố vì hành vi lừa đảo..., không chịu được những lời khích bác của bạn bè, cháu học sa sút hẳn. Anh em trong nhà bàn bạc rồi quyết định đưa cháu về quê ngoại ở Sóc Trăng để học tiếp cấp 3. May mắn là ở môi trường mới, không ai biết chuyện gia đình nên cháu đã học tập trở lại bình thường. Một thành viên phải đi “tị nạn”, bữa ăn của gia đình chỉ còn ba người càng trở nên lặng lẽ hơn. Có khi suốt bữa cơm, cả nhà im lặng.
Báo chí đồng hành
Ông Nhựt kể rằng, ngoài thời gian đến cơ quan điều tra, ông làm đơn kêu oan, khiếu nại gửi khắp các cơ quan chức năng và đến một số cơ quan báo chí. Năm đầu, một vài tờ báo lên tiếng, nhưng báo nói thì cứ nói, vụ việc vẫn không được giải quyết. Hồ sơ trả đi, trả lại từ Công an sang VKS, sang tòa án rồi lại vòng về, tội danh từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đổi thành lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rồi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi…
Khi đó, một phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam ái ngại về vụ này, chuyển cho tôi tập hồ sơ vụ án xem có thể giúp gì được không. Ngay sau đó, ngày 21/4/2003, tôi viết bài đầu tiên đăng báo Công lý số 17(69) có tựa đề “Một hợp đồng tự nguyện, VKS truy tố ra tòa” nêu quan điểm, căn cứ các quy định của pháp luật xác định Luật sư Giã Hoàng Nhựt không có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chính người tố cáo do bội tín đã tố cáo vô căn cứ.
Vợ chồng ông Nhựt mừng quá tiếp tục gửi đơn thư ra nhờ quan tâm, lên tiếng bảo vệ lẽ công bằng. Đọc đơn thư tôi thấy ông Nhựt có suy luận rằng, có lẽ do gia đình ông theo Công giáo nên bị phân biệt đối xử. Có lần ông Nhựt bi quan, chán nản vì vụ việc không tiến triển, vẫn bị cấm đi khỏi nơi cư trú, suốt mấy năm không được về Bạc Liêu thăm má ốm đau, tôi nhắn tin để động viên rằng: Anh phải tin tưởng vào sự công minh của luật pháp, mọi việc sẽ được làm sáng tỏ, không được đánh mất niềm tin, “Con tin bởi vì con đã thấy nhưng phúc thay cho kẻ nào không thấy vẫn hằng tin” - đây là một câu nổi tiếng trong Kinh thánh. Ông Nhựt vội nhắn lại: Xin lỗi, anh có theo đạo phải không? Tôi nhắn lại rằng: Điều đó không quan trọng. Mọi người đều bình đẳng. “Ở đâu có tình yêu ở đó có Thiên Chúa. Thiên Chúa ở cùng chúng ta” anh ạ.
Sau này, khi gặp nhau ông Nhựt kể, lúc đó mừng quá, nước mắt trào ra. Ông ôm lấy vợ và bảo, Khiêm cũng có đạo em ơi. Mình may mắn rồi! Niềm tin ấy khiến ông thêm nghị lực, phấn chấn, kiên trì đi tìm công lý. Trong suốt mấy năm, vào những ngày lễ trọng của đạo Thiên Chúa như Lễ Phục sinh, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Lễ Giáng sinh ông Nhựt đều nhắn tin, chúc mừng tôi, tôi nhắn lại chúc mừng và động viên, củng cố niềm tin tưởng vào “đạo hữu” của ông. Tôi biết đó là liều thuốc tinh thần quý giá đối với Luật sư Nhựt.
Ông Nhựt kể, có lúc cảm thấy tuyệt vọng vì đấu tranh, kêu cứu mãi, cũng nhiều nơi lên tiếng mà không kết quả, thế là ông uống một lô thuốc ngủ để tự tử. Ông tự tử tới ba lần. May thay, lần nào cũng được phát hiện và ngăn chặn. Có lần vợ ông giật lấy lọ thuốc và nói: Sao anh tuyệt vọng thế, còn có báo Công lý cơ mà. Báo Công lý đang giúp đỡ mình đấy thôi... Những lần sau, có một mình ở nhà, ông định “ra đi” nhưng chợt nhớ lời vợ, ông kịp dừng ý nghĩ dại dột. Nghe ông Nhựt kể tôi thật xúc động và vui mừng vì những bài báo đã là chỗ nương tựa để ông vượt qua những thời điểm bi quan.
Chúng tôi viết nhiều bài, đăng nhiều báo và cả công văn trao đổi với cơ quan chức năng. Cuối cùng, công lý đã chiến thắng, vụ án được đình chỉ ngày 10/5/2004, chấm dứt 26 tháng một người chân chính bị sa vào vòng tố tụng oan ức, đau khổ cùng cực.
Hành trình minh oan
Theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, ông Nhựt thuộc trường hợp mà VKSND tỉnh Cà Mau, cơ quan đã ra cáo trạng truy tố oan phải xin lỗi và bồi thường. Tuy nhiên, cơ quan này kiên quyết không thực hiện trách nhiệm đó, buộc ông phải khởi kiện ra tòa án, yêu cầu xin lỗi, bồi thường.
Hành trình đòi công lý đó cũng gian nan, chúng tôi lại tiếp tục đồng hành cùng ông Giã Hoàng Nhựt với nhiều bài báo mạnh mẽ. Ngày 21/7/2006, tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án TP. Cà Mau, Thẩm phán Ninh Quang Thế, chủ tọa phiên tòa đã tuyên đọc bản án buộc “VKSND tỉnh Cà Mau phải trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi ông Giã Hoàng Nhựt cư trú là khóm 4, phường 5, TP. Cà Mau và đăng cải chính 03 số liên tiếp trên các số báo Trung ương và địa phương về việc ông Nhựt bị truy tố oan”. Người ta kể rằng tiếng vỗ tay của những người tham dự phiên tòa vỡ òa trong nụ cười rạng rỡ và xúc động của vợ chồng ông Nhựt.
Dù ông Nhựt chỉ yêu cầu xin lỗi, đăng tin cải chính, không yêu cầu bồi thường nhưng bị đơn vẫn kháng cáo. Ngày 29/9/2006, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm với lý lẽ khi nào VKSND tối cao có quyết định buộc xin lỗi mà VKSND tỉnh Cà Mau không xin lỗi, khi đó ông Nhựt kiện đòi bồi thường thì mới đúng trình tự thủ tục. Phán quyết của phiên tòa gây xôn xao dư luận vì nội dung vụ án đã rất rõ ràng và xu hướng cải cách tư pháp đang như luồng gió mới tác động rất tích cực đối với hoạt động tư pháp cả nước.
Lúc đó, chúng tôi mời Luật sư lão thành Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán TAND tối cao viết một bài bình luận về bản án của TAND tỉnh Cà Mau. Là một cựu Thẩm phán cương trực, ông Nguyễn Trọng Tỵ viết một bài khá sâu sắc bày tỏ quan điểm không đồng tình với bản án phúc thẩm, trong đó tác giả viết “Tòa mà phán quyết như thế thì người dân còn trông mong gì trong hành trình đi tìm công lý?”.
Ròng rã 02 năm tiếp tục khiếu nại và được báo chí ủng hộ, ngày 02/12/2008 VKSND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị, yêu cầu hủy bản án phúc thẩm vì bản án sơ thẩm xử đúng và bản án phúc thẩm “mâu thuẫn và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự”. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa dân sự TAND tối cao đã ra quyết định hủy bỏ Bản án phúc thẩm số 348/2006/DSPT ngày 29/9/2006 của TAND tỉnh Cà Mau; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 181/DSST/2006 ngày 21/7/2006 của TAND thành phố Cà Mau. Lần này công lý mới thật sự đến với vợ chồng Luật sư Giã Hoàng Nhựt. Sau đó, ngày 20/3/2009, buổi lễ công khai xin lỗi Luật sư Giã Hoàng Nhựt được diễn ra tại nơi gia đình cư trú, khép lại tròn 07 năm gian nan, thử thách. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng là ngày này của 07 năm trước chính là ngày Luật sư Giã Hoàng Nhựt bị khởi tố oan.
Luật sư của người nghèo, người bị oan
Được trả lại danh dự, sau những hân hoan, sung sướng, gia đình Luật sư Nhựt đối diện với thực tế khó khăn. Mảnh đất Cà Mau biết bao thân thương gắn bó nay thật sự đã trở thành mảnh đất dữ, rất khó để bình yên sinh sống. Vợ chồng ông Nhựt lại tiếp tục một hành trình mới, làm lại từ đầu.
“Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” - ông Trời không phụ lòng người tốt, ông bán nhà ở Cà Mau, có thêm sự giúp đỡ của hai bên gia đình đã mua được căn nhà nhỏ ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. An cư rồi lạc nghiệp, Luật sư Giã Hoàng Nhựt tham gia Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và mở văn phòng riêng, bà Thậm nghỉ hưu về trợ giúp cho chồng. Hai con trai của ông bà giờ được học hành chu toàn, ra trường rồi lập gia đình, ổn định về kinh tế. Cuộc sống gia đình ông bây giờ đầm ấm, bình yên, khanh khách tiếng cười của hai cháu nội.
Luật sư Giã Hoàng Nhựt hành nghề chủ yếu với tinh thần tương trợ người nghèo, người khó khăn, giúp đỡ họ trong hành trình đi tìm công lý, không coi đó là nghề thuần túy kiếm sống. Luật sư Nhựt kể rằng: Năm 2000 ở Cà Mau có bà Năm khoai lang, có con bị giết ở Đan Mạch, đến nhờ ông tư vấn pháp lý vì hãng bảo hiểm bên ấy không đồng ý trả tiền và đưa hài cốt con bà về Việt Nam. Ông đã tận tình giúp đỡ, rất vất vả nhưng cuối cùng đã thành công. Tòa án Đan Mạch xử buộc hãng bảo hiểm đó phải trả tiền. Gia đình bà Năm nhận được tro cốt của con đúng vào đêm giao thừa tết Tân Tỵ 2001, trong niềm vui và xúc động của gia đình họ và cả vợ chồng Luật sư Nhựt. Vì vụ án thành công đó mà ông Nhựt có uy tín ở thành phố Cà Mau nhỏ bé.
Những vụ án oan không làm ông bà nản lòng mà ngược lại khiến họ càng thấu hiểu hơn, dễ đồng cảm hơn với những người không may phải va chạm với pháp luật, trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại hỏi thăm, lúc thì ông say sưa chia sẻ vụ một phụ nữ mấy chục năm đòi nhà cho mượn ở Cà Mau, lúc thì vụ một người ở Phú Quốc không biết chữ bị làm giả chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất, lúc thì vụ giả mạo giấy tờ nhưng lại được bảo vệ thắng kiện ở Sóc Trăng.
Mới đây, ông còn chia sẻ với tôi niềm vui được bầu vào Ban Quốc gia Khôi Bình Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2025 với chức danh quản lý. Khôi Bình là phiên âm của từ tiếng Đức - Kolping - tên vị chân phước linh mục người Đức. Khôi Bình có tính cách tựa như gia đình, nhằm giáo dục và hướng dẫn người giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, gương mẫu trong cuộc sống, nghề nghiệp và hôn nhân gia đình; đáp ứng các nhu cầu của các thành viên và của xã hội…
Như vậy là bình yên và hạnh phúc đã thật sự trở lại với gia đình ông. Ở tuổi ngoài 60, con cái đã trưởng thành, ông còn sức khỏe và nhiệt huyết để cống hiến cho cộng đồng, nhất là giúp đỡ những mảnh đời khó khăn đi tìm công lý, vốn rất gian nan và luôn cần người trợ giúp.
NGUYỄN PHAN KHIÊM
Kinh nghiệm phát hiện vi phạm tại bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kháng nghị