Ảnh minh họa.
Theo đó, những vi phạm của Bản án hành chính gồm các dạng sau đây:
Thứ nhất, vi phạm nghiêm trọng trong việc xác minh thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hủy án, sửa án.
Những vi phạm này được thể hiện ở các dạng cụ thể như: Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, sử dụng tài liệu chứng cứ không có giá trị pháp lý làm căn cứ, không xem xét toàn diện khách quan, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện, nhận định kết luận nội dung vụ việc không đầy đủ, không đúng sự thật khách quan, từ đó đưa ra các quyết định giải quyết vụ án thiếu căn cứ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, những vi phạm này của Tòa án cần phải được kháng nghị để sửa hoặc hủy án.
Thứ hai, Tòa án đánh giá chứng cứ không đúng nên không phát hiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục và nội dung quyết định hành chính có vi phạm.
Quyết định hành chính có vi phạm về thẩm quyền thường được thể hiện dưới dạng tranh chấp về nhà đất là di sản thừa kế, tranh chấp đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ của chế độ cũ, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng UBND lại thụ lý, giải quyết bằng quyết định hành chính là sai thẩm quyền.
Sau đó quyết định hành chính bị khởi kiện lẽ ra phải hủy quyết định để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự nhưng Tòa án vẫn giải quyết theo hướng công nhận quyết định hành chính, những vi phạm này cần kháng nghị phúc thẩm để hủy bản án sơ thẩm giải quyết lại hoặc sửa bản án hành chính.
Ngoài ra, trong thực tế những năm qua, loại vi phạm nghiêm trọng của Tòa án sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, không tiến hành thẩm định tại chỗ để làm rõ bản chất sự thật khách quan nên khi giải quyết các vụ án nêu trên cần kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để giải quyết lại vụ án đảm bảo tính toàn diện và triệt để, tránh kéo dài vụ án.
Thứ ba, một số vi phạm trong việc áp dụng pháp luật nội dung.
Vi phạm pháp luật nội dung là việc Tòa án thụ lý, giải quyết đã không căn cứ vào các quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án không đúng với tình tiết khách quan của vụ án nên dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, vi phạm trong áp dụng văn bản pháp luật không đúng thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý hoặc áp dụng không đúng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cần thiết phải kháng nghị để xét xử lại.
Chẳng hạn, trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1994, nhưng Tòa án lại áp dụng Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 để đánh giá việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng hay không. Trường hợp nhà nước bán nhà ở thuộc sở hữu nhà ở vào năm 1992, nhưng lại áp dụng quy định tại Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ để xem xét giải quyết vụ án là không đúng.
Trường hợp xác định sai quan hệ pháp luật có tranh chấp đang được xem xét, giải quyết dẫn đến lựa chọn quy định pháp luật để giải quyết không đúng, hoặc xác định sai quy định của pháp luật cần áp dụng để giải quyết vụ án do nhận thức chủ quan, dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ năm, vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ trong việc đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ví dụ: Vụ án hành chính của bà D. ở thành phố Đ, tỉnh B. Theo bản đồ do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh L. cũ lập năm 2003, thì gia đình bà D. sử dụng 612m2 gồm 9 thửa đất. Năm 2018, để xây dựng Trung tâm Thương mại, UBND thành phố Đ ra quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 20/6/2008 thu hồi và điều chỉnh dất của bà D., có diện tích 488m2 gồm 8 thửa đất, sau đó trừ đi 83m2 đất hành lang giao thông và 415m2 đất lấn chiếm, còn lại 488 – 83 – 145 = 260m2 được tính bồi thường. Bà D. khiếu kiện yêu cầu được bồi thường toàn bộ số đất thực tế bị thu hồi. Tòa án sơ thẩm đã xử bác đơn yêu cầu khởi kiện của bà D.
Xét thấy UBND thành phố Đ. đã ra quyết định thu hồi đất không đúng trình tự, thủ tục không tiến hành kiểm đếm tài sản và xác định hiện trạng sử dụng đất, không lập phương án bồi thường và phê duyệt phương án trước khi có quyết định thu hồi đất); bồi thường không đúng thực tế sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 84/2007/NĐ ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định: "Nếu diện tích đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất do việc đo đạc thiếu chính xác hoặc kê khai trước đấy của người sử dụng đất không kê khai hết diện tích, nhưng toàn bộ ranh giới thửa đất đã được xác định không tranh chấp với người sử dụng đất liền kề, không do lấn chiếm thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế”; xác định là đất lấn chiếm nhưng không có căn cứ đã xử lý vi phạm hành chính…
Vì vậy, cần làm rõ thời điểm bà D. sử dụng đất trước hay sau ngày 15/10/1993 để xác định đất của gia đình bà D., nhưng Tòa án chưa trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn xem số tiền thuế đã nộp ghi trong biên lai tương ứng diện tích đất bao nhiêu? Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2010/HCST ngày 04/5/2010 của TAND thành phố Đ đã căn cứ Điều 98 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ để giải quyết nội dung vụ án là không phù hợp và tuyên xử bác đơn khởi kiện của bà D. là chưa đúng với các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Từ những vi phạm nêu trên VKSND đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hành chính này.
Thứ sáu, nhận thức khác nhau về đường lối giải quyết vụ án.
Có 02 trường hợp vụ án hành chính giống nhau cả về đối tượng khởi kiện, thủ tục tố tụng và nội dung vụ án nhưng khi xét xử phúc thẩm (cùng một Tòa án) thì một vụ Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện, một vụ Tòa án cấp phúc thẩm nhận yêu cầu khởi kiện và hủy quyết định hành chính. Trường hợp này cần phải kháng nghị giám đốc thẩm.
Thứ bảy, vi phạm về tuyên án chưa đầy đủ.
Có vụ án cần phải buộc cơ quan nhà nước hoặc người trong nhà nước thực hiện nhiệm vụ công vụ nhưng Tòa án không tuyên. Khi tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án tuyên chưa rõ là để xem xét cấp lại cho đúng pháp luật hay để giải quyết tranh chấp hoặc không được cấp giấy chứng nhận. Có trường hợp Tòa tuyên hủy toàn bộ quyết định xử phạt và truy thu thuế, nhưng tuyên không rõ được ra quyết định khác cho đúng pháp luật trong trường hợp này còn có khoản thuế cần phải phạt, phải thu hay không. Hoặc khi Tòa án tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức do Hội đồng xử lý kỷ luật không đúng thành phần nhưng tuyên chưa rõ có được xem xét xử lý lại cho đúng hay không.
Những vi phạm nêu trên cần kháng nghị theo hướng sửa hoặc hủy án để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định và thuận lợi trong việc thi hành án hành chính.
Để có căn cứ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, phải kiểm sát chặt chẽ thủ tục tại phiên tòa, theo dõi diễn biến phiên tòa để nắm bắt được nội dung vụ án, việc vận dụng pháp luật để giải quyết vụ án của Tòa án, những vi phạm thiếu sót của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; đồng thời phải kiểm sát chặt chẽ Bản án, quyết định, từ đó đối chiếu với những quy định của pháp luật mới phát hiện ra những vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Hướng dẫn kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, hành chính