/ Nghề Luật sư
/ Chuyện về sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chuyện về sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

22/10/2021 10:35 |

(LSVN) - Ngày nay, các Luật sư cầm trên tay tấm thẻ Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp phát, nhưng chắc chắn là rất nhiều Luật sư không biết là Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập ra như thế nào.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ I.

Trước khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời vào năm 2009 thì nước ta chỉ có các đoàn Luật sư địa phương. Các đoàn Luật sư lần lượt được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1984 cho đến năm 2009 theo các quy định trước đó, nhất là từ khi có Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987. Vào thời điểm đầu năm 2009, cả nước có 61 đoàn Luật sư trên 63 tỉnh thành. Lúc này tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu chưa thành lập đoàn Luật sư. Còn tỉnh Hà Tây do sáp nhập vào thành phố Hà Nội năm 2008 nên Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tây cũng sáp nhập vào Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thời gian đầu, theo Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 thì đoàn Luật sư vừa là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư, vừa đảm nhiệm vai trò như tổ chức hành nghề Luật sư. Có nghĩa là, đoàn Luật sư làm cả nhiệm vụ nhận vụ việc từ khách hàng, thu tiền và cấp giấy giới thiệu cho Luật sư tham gia tố tụng. Thực chất thời gian đó chủ yếu là Luật sư tham gia tại tòa án. Còn việc tham gia vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra là hy hữu.

Khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 có hiệu lực thì có quy định về việc thành lập tổ chức hành nghề Luật sư (văn phòng Luật sư, công ty luật). Do đó, từ thời gian này về sau, hàng loạt các văn phòng Luật sư, công ty luật ra đời. Đoàn Luật sư lúc này chỉ giữ chức năng là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư, với các chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi Luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ, giám sát Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư, quản lý việc xét gia nhập, đăng ký tập sự, rút tên, chuyển sinh hoạt, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật sư,…

Năm 2006 Luật Luật sư được ban hành (có hiệu lực từ 01/01/2007), quy định về việc thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc. Để xúc tiến công việc thành lập, Bộ Tư pháp đã cùng các đoàn Luật sư chuẩn bị trước rất nhiều công việc, bao gồm: tổ chức các đoàn công tác đi tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước; tổ chức nhiều hội thảo có mời chuyên gia luật các nước đến dự để tham vấn, đóng góp ý kiến; xây dựng Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc;...

Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đầu năm 2008, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổ chức Luật sư toàn quốc và cách thức, trình tự tiến hành lập ra Tổ chức Luật sư toàn quốc.

Để thành lập bộ máy nhân sự xúc tiến thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc, cùng với sự phê duyệt Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ra Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất gồm 09 thành viên. Trưởng ban Chỉ đạo lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Tham gia Ban Chỉ đạo còn có các thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, đại diện Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 03 vị Luật sư là Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Đầu tháng 6/2008, Ban Chỉ đạo đã lập ra Hội đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc gồm 15 Luật sư, chịu trách nhiệm xúc tiến các công việc vận động, chuẩn bị nhân sự, soạn dự thảo Điều lệ, văn kiện Đại hội, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức Đại hội thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc. Cũng nói thêm rằng, vào tháng 8/2006 thì Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) để hiệp thương nhân sự vào Hội đồng Luật sư toàn quốc. Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất chia địa giới hành chính làm 09 khu vực, cộng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 11 vùng để cử đại diện tham gia Hội đồng Lâm thời. 09 khu vực được các Luật sư tự phân chia là: vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Bắc bộ, vùng Núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Sông Hậu, vùng Nam Sông Hậu. Mỗi khu vực có 01 Luật sư làm đại diện, Hà Nội có 02 Luật sư đại diện, thành phố Hồ Chí Minh có 01 Luật sư làm đại diện. Từ hội nghị ở Quảng Ninh, hơn một năm rưỡi sau đó Ban Chỉ đạo đã sử dụng kết quả hiệp thương nhân sự của hội nghị này, cùng với quá trình vận động các nhân sự khác để lập ra Hội đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc.

Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc do Luật sư Lê Thúc Anh - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch, hoạt động ngót nghét 01 năm, bên cạnh sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đề án và sự hỗ trợ cật lực của đội ngũ cán bộ Vụ Bổ trợ tư pháp (nay là Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp), xúc tiến tất cả các công việc cần thiết để chuẩn bị Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất (Đại hội thành lập).

Giai đoạn này có nhiều chuyện nóng, có tính thời sự. Có thành viên rút khỏi Ban Chỉ đạo và Hội đồng Lâm thời. Ban Chỉ đạo thực chất sau đó chỉ còn 07/09 thành viên, Hội đồng Lâm thời có 13/15 thành viên hoạt động. Đây là giai đoạn chuẩn bị thành lập ra một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư trên phạm vi toàn quốc, do vậy có rất nhiều quan điểm xoay quanh các vấn đề về cách thức thành lập, chọn lựa nhân sự chủ chốt, chọn nơi đặt trụ sở chính của tổ chức này,…

Quá trình triển khai công việc, các khác biệt ý kiến tạo thêm nhiều vất vả cho công tác thành lập. Nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng được dàn xếp, tìm được sự đồng thuận, và tất cả các đoàn Luật sư đã cử đại biểu tham dự rất đầy đủ tại Đại hội lần thứ nhất (thành lập). Đại hội tổ chức 03 ngày (các ngày 10,11 và 12/5/2009) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) và đã thành lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam (tên gọi chính thức được Đại hội thông qua). Đại hội có sự tham dự xuyên suốt cả 03 ngày của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (thường được gọi thân mật là anh Hai Nghĩa - đã mất tại Bến Tre hồi năm 2020 vừa qua). Phó Thủ tướng là người đại diện cho Chính phủ theo dõi, chỉ đạo xuyên suốt quá trình xúc tiến công việc thành lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên và các cán bộ Vụ Bổ trợ tư pháp túc trực thường xuyên suốt Đại hội. Tại phiên chính thức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự và phát biểu chào mừng Đại hội.

Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất tổ chức trong bầu không khí trang nghiêm, long trọng và hoành tráng. Tại Đại hội, những quan điểm khác biệt cũng được trình bày, thể hiện nhưng cuối cùng các đại biểu tham dự Đại hội cũng tìm ra được tiếng nói chung. Đại hội bầu ra 32 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, cùng với 61 vị ủy viên đương nhiên là những Luật sư chủ nhiệm của các đoàn Luật sư nên Hội đồng Luật sư toàn quốc lúc đó có 93 vị Luật sư ủy viên. Trong số 93 vị ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc có 21 vị Luật sư ủy viên Ban Thường vụ. Trong số ủy viên Ban Thường vụ có Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Sau này Điện Biên, Lai Châu thành lập đoàn Luật sư thì số ủy viên đương nhiên là 63 vị Luật sư chủ nhiệm các đoàn Luật sư, nên nâng số ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc lên thành 95 Luật sư.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra đời như vậy. Từ đó đến nay, Liên đoàn đã trải qua rất nhiều gian truân trong qua trình củng cố, kiện toàn tổ chức. Việc ra đời và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là sự đóng góp đầy tâm huyết của rất nhiều vị Luật sư trên cả nước, trong đó có công lao đóng góp rất lớn của các thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2021), với vai trò là chứng nhân, tôi đã trực tiếp chứng kiến xuyên suốt, khá toàn diện, đầy đủ về quá trình thành lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chứng kiến cả những gian nan vất vả của rất nhiều vị Luật sư và các anh chị em cán bộ của Bộ Tư pháp trong những ngày tháng ấy. Xin gửi đôi dòng để các Luật sư trẻ tham khảo, biết thêm thông tin về một giai đoạn đã qua trong lịch sử phát triển nghề Luật sư ở nước ta.

Thạc sĩ. Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng - Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Cần nâng cao tố chất, kỹ năng, trình độ của Luật sư trong điều kiện hội nhập kinh tế số hóa

Loan B T Thanh