/ Pháp luật bốn phương
/ CNN dừng xuất bản nội dung trên Facebook ở Australia

CNN dừng xuất bản nội dung trên Facebook ở Australia

30/09/2021 09:01 |3 năm trước

(LSVN) - CNN cho biết, quyết định được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Australia ra phán quyết rằng các công ty truyền thông phải chịu trách nhiệm về những bình luận mà mọi người đăng dưới các bài báo trên nền tảng này.

Logo của hãng CNN. Ảnh: Getty.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Australia

Đầu tháng này, Tòa án Tối cao Australia đã bác bỏ lập luận của ba tổ chức thông tấn lớn của Australia rằng họ không thể chịu trách nhiệm về những bình luận mà mọi người đăng trên trang tin Facebook của họ. Các hãng tin đã kháng cáo phán quyết này lên tòa án cấp thấp hơn.

Sau phán quyết này, CNN đã tiếp cận Facebook và yêu cầu công ty công nghệ này "hỗ trợ CNN và các hãng tin khác bằng cách tắt chức năng bình luận trên nền tảng của họ ở Australia". Tuy nhiên, CNN sau đó cho biết Facebook "đã chọn không làm như vậy".

CNN cũng bày tỏ thất vọng rằng: "Facebook, một lần nữa, đã không đảm bảo nền tảng của mình là nơi dành cho báo chí chính thống và những đối thoại tích cực của người dùng về các sự kiện đang diễn ra,” đồng thời khẳng định CNN sẽ tiếp tục xuất bản tin trên các nền tảng riêng của hãng tại Australia.

Facebook cho phép mọi người và các hãng tin sử dụng các trang mạng xã hội được tắt chế độ nhận xét đối với bài đăng, hoặc giới hạn khả năng mọi người có thể nhận xét đối với các trang hay hồ sơ được chọn - một tính năng mà công ty này đã công bố vào tháng 3.

Trong trường hợp này, CNN đã yêu cầu Facebook cung cấp cài đặt toàn trang để tắt bình luận ở Australia. Thay vào đó, Facebook đã cung cấp hướng dẫn về cách các cơ quan truyền thông có thể vô hiệu hóa các bình luận theo từng bài đăng.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Facebook cho biết công ty này ủng hộ "những cải cách đang diễn ra trong khuôn khổ Luật phỉ báng của Australia" và trông đợi "một sự rõ ràng và chắc chắn hơn về vấn đề này".

Cũng theo tuyên bố này, dù Facebook không có vai trò hướng dẫn pháp lý cho CNN, công ty đã cung cấp cho CNN thông tin mới nhất về các công cụ sẵn có giúp các hãng thông tấn quản lý bình luận trên trang của mình.

Vụ kiện phỉ báng nhằm vào các hãng tin

Vụ việc bắt nguồn từ việc Tòa án Tối cao ra phán quyết đối với một vụ kiện phỉ báng do một cựu tù nhân trong hệ thống giam giữ thanh thiếu niên của Australia đệ trình. Hành vi cư xử tại một trung tâm giam giữ đã khiến anh ta trở thành tâm điểm của một vụ bê bối lạm dụng vào năm 2016. Anh này sau đó đã kiện các hãng tin Fairfax Media Publications, Nationwide News và Australian News Channel vì những bình luận đăng trên trang Facebook của họ, cáo buộc anh ta về những tội ác mà theo luật sư là anh ta không hề phạm phải.

Các công ty truyền thông lập luận rằng họ không phải chịu trách nhiệm về các bình luận của người dùng, và kháng cáo vấn đề cụ thể này lên Tòa án Tối cao. Khi bác bỏ lập luận của các tổ chức truyền thông, Tòa án Tối cao tuyên bố "việc bên kháng cáo mô tả mình như là nạn nhân gián tiếp và thụ động của chức năng Facebook là không thực tế”.

Theo Tòa án Tối cao, "Sau khi thực hiện hành động để đảm bảo lợi ích thương mại của chức năng Facebook, bên kháng cáo phải chịu các hậu quả pháp lý", đồng thời bổ sung rằng Tòa phúc thẩm "đã đúng khi cho rằng hành vi của bên kháng cáo trong việc tạo điều kiện, khuyến khích và do đó hỗ trợ việc đăng nhận xét của bên thứ ba là người dùng Facebook khiến chính các hãng tin trở thành những người đăng các nhận xét đó".

Phán quyết của Tòa án Tối cao đã không giải quyết được vụ kiện bôi nhọ chống lại các nhà xuất bản, và vụ việc sau đó đã được chuyển lại cho Tòa án Tối cao của bang New South Wales.

Giải pháp nào cho Australia và các ông lớn công nghệ

Đây quả thực là một năm đầy tranh cãi giữa Australia và các ông lớn công nghệ. Vào tháng 2, Facebook bất ngờ chặn người dân xem hoặc chia sẻ tin tức ở nước này sau nhiều tháng căng thẳng với chính phủ Australia, dẫn đến đề xuất luật buộc các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho các hãng truyền thông tin tức đăng tải nội dung.

Facebook cuối cùng đã khôi phục các trang tin tức ở Australia sau khi chính phủ đồng ý về những thay đổi đối với mã truyền thông theo kế hoạch. Công ty công nghệ này cho biết những thay đổi nói trên sẽ cho phép họ kiểm soát tốt hơn những gì xuất hiện trên nền tảng của mình.

NGỌC DIỆP/VOV

YouTube mạnh tay gỡ video có thông tin sai lệch về dịch bệnh

Nguyễn Lâm