Cơ chế kiểm soát quyền lực của Cộng hòa Liên bang Đức

26/10/2021 16:26 | 2 năm trước

(LSVN) - Đức là một Nhà nước Liên bang (đứng đầu Chính phủ hiện tại là Thủ tướng Angela Merkel, được bình chọn là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” trong nhiều năm gần đây - rất có thể còn phải đảm nhận vai trò Thủ tướng tạm thời đến Lễ Giáng sinh năm nay sau cuộc bầu cử QH Đức ngày 26/9/2021) nên sự phân cấp, phân quyền giữa liên bang và các bang là quan trọng, tránh lạm quyền, vượt quyền; sự tha hóa quyền lực cũng được phòng, chống, hạn chế bởi quy định nhiệm kỳ; trong nhà nước pháp quyền, Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; ngoài các cơ quan theo quy định của pháp luật, công dân cũng có thể khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Liên bang và Tòa án Hiến pháp bang; các chế tài phải thể hiện được tính nghiêm khắc.

Ảnh minh họa.

Trong thời đại ngày nay, vấn đề kiểm soát quyền lực là vấn đề nóng hổi mang tầm quốc tế; nó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, nếu không muốn quốc gia đó rơi vào khủng hoảng về nhiều mặt.

Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát quyền lực nhà nước, mà trọng tâm là chính phủ, quyền lực của các Cơ quan Công quyền, của những người có chức, có quyền từ vị trí cao nhất.

Trong phạm vi bài viết này, vấn đề trọng tâm là tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng kiểm soát quyền lực của Cộng hòa liên bang Đức (sau đây gọi là Đức), một quốc gia với nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, xếp thứ tư thế giới, cho đến nay vẫn được mệnh danh là “đầu tàu của châu lục”.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo cơ chế kiểm soát quyền lực tại nước Đức trong phạm vi bài viết ngắn gọn này là điều không thể bởi nhiều lý do, trong đó đơn giản là hệ thống tổ chức “tầng lớp” với 01 Quốc hội liên bang và 16 quốc hội bang; 01 chính phủ liên bang và 16 chính phủ bang, chính vì vậy tác giả chỉ có thể mang đến cho độc giả một số nét cơ bản nhất, chung nhất mà thôi.

Trước hết cần điểm qua vài nét về “chỉ số nhận thức tham nhũng”, bởi vì chỉ số này cho thấy khả năng kiểm soát quyền lực của một nước hiệu quả đến đâu, đang ở thứ hạng nào trong sự so sánh với các nước khác trên thế giới để “biết mình, biết người”. Tiếp đó, cần tìm hiểu một số cơ quan, tổ chức liên quan (trực tiếp đến chủ đề bài viết) trong hệ thống chính trị với những nội dung cơ bản nhất, qua đó cho thấy sơ đồ tổng thể, thứ bậc các Cơ quan Công quyền, Cơ quan Giám sát, kiểm tra được pháp luật trao cho thẩm quyền để thực thi hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.

Về chỉ số nhận thức tham nhũng

Theo định nghĩa ngắn gọn của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), thì “tham nhũng là lạm dụng chức vụ công để tư lợi”.

Nhìn qua chỉ số nhận thức tham nhũng chúng ta có thể thấy bức tranh tổng quát về khả năng, hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng, kiẻm soát quyền lực của một nước như thế nào.

Trong bảng xếp hạng nhận thức tham nhũng năm 2020 của TI gồm: 178 nước, Đức, với dân số hơn 83 triệu người, vẫn giữ vị trí thứ 09 truyền thống như gần thập kỷ trước đó thuộc các nước ít tham nhũng, sau Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Singapore là những nước nhỏ có dân số ít; trong khi đó một số nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản với thứ hạng 19, Pháp 23, Mỹ 25, còn Trung Quốc 78, Việt Nam 104 và Triều Tiên 170.

Vài nét về hệ thống chính trị của Cộng hòa liên bang Đức

Là nhà nước pháp quyền liên bang dân chủ và xã hội, Đức được đánh giá có hệ thống chính trị đa nguyên, cởi mở, được tổ chức khá logic, chặt chẽ, cho dù “nhiều tầng, nhiều lớp”, nhìn chung trong sạch và vững mạnh. Khoản 1 Điều 22 Luật Cơ bản quy định việc thành lập một đảng phái chính trị là tự do, tuy nhiên, nội dung hoạt động phải phù hợp với các nguyên tắc dân chủ cơ bản cũng như phải công bố công khai nguồn kinh phí duy trì hoạt động và tài sản của đảng.

Với sự ra đời của Luật Cơ bản năm 1949, những nguyên tắc cơ bản đã tạo ra sự tôn nghiêm của pháp luật, sự bất khả xâm phạm của Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp liên bang (gồm 16 Thẩm phán chia làm 02 Hội đồng xét xử ) là Cơ quan Giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nói trên. Tòa án Hiến pháp liên bang với các phán quyết mang tính quyết định đã đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ và gìn giữ hệ thống pháp luật toàn liên bang.

Quốc hội Liên bang

Quốc hội Liên bang Đức có 709 Nghị sĩ, là Quốc hội lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) với 5.200 cán bộ khoa học, kỹ thuật và thư ký, trụ sở đóng tại thủ đô Berlin. Quốc hội Đức có thư viện lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản) với 1,2 triệu đầu sách và hàng ngàn tài liệu chuyên môn.

Quốc hội (QH) là cơ quan quyền lực đại diện cao nhất của nhân dân, hoạt động với nhiệm kỳ 04 năm (nhiệm kỳ QH tại 16 bang là 05 năm), là phần quan trọng của hệ thống chính trị, đảm nhận hai nhiệm vụ cơ bản: Lập pháp và kiểm soát chính phủ.

Theo chủ trương đa nguyên và cởi mở, QH Đức khóa XIX hiện tại có 07 đảng phái chính trị: Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU), Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo Đức (CSU), Đảng Con đường khác cho nước Đức (AFD), Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), Đảng Dân chủ tự do (FDP), Đảng Cánh tả (Die Linke) và Liên minh 90/Đảng Xanh (Buendnis/Gruenen).

Quốc hội Liên bang và việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ Liên bang

Điểm nhấn thú vị ở Đức là Đảng Đối lập (Đảng Dân chủ xã hội Đức) thực hiện công bố kết quả giám sát chính phủ trước công luận. Đảng Đối lập thể hiện quan điểm, phương hướng chính trị hợp pháp, có mục đích, phương thức và hoạt động đối lập với đảng chiếm đa số trong QH. Qua sự giám sát, tranh luận, phản biện với các kế hoạch, định hướng của chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng liên bang đại diện cho Đảng chiếm đa số trong QH - Đảng Đối lập góp phần tích cực vào việc phát triển của đất nước.

Trong cuộc hội thảo quốc tế về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của QH Đức tại Hà Nội với mục đích tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ nước bạn, Chánh văn phòng QH Đức cho biết: QH Đức được đánh giá là “số một” của Châu Âu. Mỗi đại biểu QH có 02 văn phòng làm việc, một tại QH và một tại địa phương, 02 thư ký và 01 nhân viên kỹ thuật - điều kiện làm việc tốt nhất châu lục.

Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ kiểm soát quyền lực của chính phủ, các Nghị sĩ QH phải được thông tin về công việc và định hướng của Chính phủ. Qua đó, các Nghị sĩ có hàng loạt quyền và phương tiện để thực hiện việc này, cụ thể như: Các thành viên chính phủ phải giải trình và trả lời chất vấn trước QH (khoản 1 Điều 43 Luật Cơ bản) tại các cuộc họp kín, hoặc yêu cầu giải trình trực tuyến trên truyền hình. QH thành lập một số Ủy ban chuyên môn, không chỉ để tham gia vào việc xây dựng pháp luật mà cả Ủy ban điều tra để thực hiện việc kiểm soát chính phủ. Đơn cử như việc QH phải biết chính phủ sử dụng ngân sách có đúng mục đích không vì đây là nguồn tiền do người dân đóng thuế; phương hướng, trọng tâm của chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh được thể hiện như thế nào.

Ủy ban điều tra của QH có thể thực hiện công việc (theo phương thức thủ tục Tòa án hoặc ủy quyền cho người điều tra) được giao trong trường hợp thành viên chính phủ có dấu hiệu vi phạm pháp luật; QH có thể bãi miễn chính phủ sau khi lấy phiếu bất tín nhiệm hoặc ra Nghị quyết giao trách nhiệm cho chính phủ.

Kiểm toán liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra quyết toán ngân sách tài chính của các cơ quan liên bang và cơ quan hành chính công ở cấp liên bang sau khi kết thúc năm tài chính theo quy định tại Điều 14 Luật Cơ bản. Các thành viên của Kiểm toán liên bang được pháp luật bảo đảm tính độc lập như Thẩm phán, thực hiện chức năng nhiệm vụ chỉ tuân theo pháp luật.

Quốc hội bang và việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ bang

Trên cơ sở những nguyên tắc, phương thức, biện pháp khi QH liên bang thực hiện kiểm soát quyền lực của Chính phủ Liên bang, QH 16 bang trên toàn nước Đức có những nét tương đồng trong phương thức, phương pháp và biện pháp kiểm soát quyền lực chính phủ của bang mình, tuy nhiên không thể rập khuôn, máy móc. Sau đây là một ví dụ cụ thể:

Quốc hội bang Bắc sông Ranh (NRW), một bang khá rộng lớn với dân số 18 triệu người, gồm 199 nghị sĩ, trong đó chính phủ chiếm 100 ghế (72 ghế dành cho Đảng Liên minh thiên chúa giáo Đức và 28 ghế cho Đảng Dân chủ tự do); đảng đối lập chiếm 99 ghế (Đảng Dân chủ xã hội Đức với 69 ghế, Đảng Xanh với 14 ghế và Đảng Con đường khác cho nước Đức với 16 ghế) hoạt động theo nhiệm kỳ 05 năm, là cơ quan lập pháp trong hệ thống chính trị của bang. Bên cạnh nhiệm vụ thông qua các đạo luật, QH còn có nhiệm vụ quan trọng khác là bầu thủ hiến bang và kiểm tra chính phủ bang.

Quốc hội có nhiều phương tiện, phương thức và biện pháp để kiểm tra chính phủ bang như yêu cầu thành viên chính phủ trả lời chất vấn trước QH; các Nghị sĩ biểu quyết về việc có nhất trí với dự thảo thu chi nhân sách của chính phủ hay không; đồng ý phê chuẩn các hiệp định chính phủ ký kết hay không…

Thủ hiến bang có thể bị QH bang bãi miễn bất cứ lúc nào (qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm), nếu không còn đủ tín nhiệm.

Kiểm toán nhà nước bang đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra việc sử dụng ngân sách của chính phủ và QH bang, thu chi tài chính của tất cả các cơ qua nhà nước bang, kể cả QH và báo cáo trước QH - cơ quan đã bầu ra các thành viên kiểm toán nhà nước bang. 

Tính chất đa nguyên, cởi mở cũng được thể hiện rõ nét tại QH 16 bang, nghĩa là tại các bang nước Đức, nếu đảng nào chiếm đa số tuyệt đối sau khi bầu cử QH hoặc đạt được thỏa thuận với một hoặc nhiều đảng khác để thành lập liên minh chiếm đa số trong QH và qua đó thành lập chính phủ và bầu thủ Hiến bang.

Ngay tại bang Bắc sông Ranh, Chủ tịch QH là người của Đảng Liên minh Thiên chúa giáo Đức nhưng Phó Chủ tịch là người của Đảng Dân chủ xã hội Đức và Phó Chủ tịch QH khác lại là người của Đảng Xanh.

Số lượng Đại biểu QH của 16 bang cũng không giống nhau. Bang nào lớn hơn, đông dân số hơn sẽ có nhiều Đại biểu QH hơn.

Việc phân chia số ghế của các đảng phái chính trị trong QH cũng rất khác nhau; có bang thì 5 đảng phải, có bang lại 6 đảng phái… Chủ tịch QH ở bang này là người của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, ở bang khác Chủ tịch QH lại là người của Đảng Dân chủ xã hội Đức…

Trong cuộc hội thảo quốc tế do Bộ Tư pháp chủ trì về lĩnh vực Luật Tố tụng Dân sự cách đây 22 năm, vị Chánh án một Tòa án khu vực tại thành phố Bremen của Đức là báo cáo viên chính. Cuộc hội thảo thật sôi nổi. Nhiều câu hỏi được phía Việt Nam đưa ra về việc người nhà bị can đưa hối lộ cho Thẩm phán để bị can được xử có lợi, giảm mức hình phạt… Ông Chánh án người Đức tỏ ra rất ngạc nhiên và cho biết, kể từ khi đảm nhận chức vụ này, ông chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy và cũng không thấy xảy ra ở các Tòa án khác của Đức. Thẩm phán Đức có quyền giải thích luật, độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, không ai có thể tác động, gây ảnh hưởng tới quyết định của họ.

Hội đồng Liên bang

Hội đồng Liên bang (Điều 50 đến Điều 53 Luật Cơ bản) là cơ quan của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, có quyền tham gia vào hoạt động lập pháp và cơ chế hành chính liên bang cũng như các công việc của Liên minh Châu Âu, được đánh giá như là Nghị viện thứ 2 (Thượng Nghị viện). Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng Liên bang có 69 thành viên do chính phủ 16 bang cử theo sự phân định của pháp luật tỉ lệ với dân số của mỗi bang đại diện cho lợi ích các bang trong liên bang thông qua các thành viên chính phủ của bang mình. Mỗi bang cử ít nhất 03 thành viên chính phủ. Bang có dân số trên 02 triệu người cử 04 thành viên; trên 06 triệu người cử 05 thành viên và trên 07 triệu người cử 06 thành viên chính phủ (khoản 2 Điều 51 Luật Cơ bản). Với phương thức cơ cấu như vậy sẽ phòng, chống được “nhóm lợi ích” và “địa phương cục bộ” cũng như ý định lạm dụng quyền hạn.

Trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8 (tháng 08/2021), bài "Hành nghề Luật sư tại Tòa án tối cao Liên bang Đức” đề cập tới cơ cấu tổ chức của Tòa án tối cao Liên bang, thể hiện rõ nét tương đồng “Hội đồng bầu Thẩm phán gồm 32 thành viên là sự “kết hợp hài hòa” giữa đại diện của Cơ quan Lập pháp và Cơ quan Tư pháp, được cơ cấu bởi 16 Đại biểu QH Liên bang và 16 Bộ trưởng Bộ Tư pháp của 16 bang trên khắp nước Đức, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang thành lập, có nhiệm vụ bầu và quyết định Thẩm phán đảm nhận công việc tại Tòa án Tối cao Liên bang". Dựa trên nguyên tắc “phân chia và kiểm soát tốt quyền lực” để tất cả các bang đều có thẩm phán đại diện

Một số kinh nghiệm qua tìm hiểu, nghiên cứu

Sau khi điểm qua một số nét cơ bản về cơ chế kiểm soát quyền lực của Cộng hòa liên bang Đức, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Đức là một Nhà nước Liên bang (đứng đầu Chính phủ hiện tại là Thủ tướng Angela Merkel, được bình chọn là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” trong nhiều năm gần đây - rất có thể còn phải đảm nhận vai trò Thủ tướng tạm thời đến Lễ Giáng sinh năm nay sau cuộc bầu cử QH Đức ngày 26/9/2021) nên sự phân cấp, phân quyền giữa liên bang và các bang là quan trọng, tránh lạm quyền, vượt quyền; sự tha hóa quyền lực cũng được phòng, chống, hạn chế bởi quy định nhiệm kỳ; trong nhà nước pháp quyền, Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; ngoài các cơ quan theo quy định của pháp luật, công dân cũng có thể khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Liên bang và Tòa án Hiến pháp bang; các chế tài phải thể hiện được tính nghiêm khắc.

Ngay trong đội ngũ Luật sư, cơ chế kiểm soát quyền lực cũng được nhấn mạnh: Đoàn Luật sư Berlin giám sát các Luật sư tại Berlin và các Hiệp hội Luật sư. Đoàn Luật sư Liên bang chịu sự giám sát của Bộ Tư pháp Liên bang…

Tại Đức, hầu hết các cơ quan đều có trung tâm báo chí công khai (“đất nước của tự do báo chí”) nên dư luận công chúng mạnh mẽ cùng với “hàn thử biểu chính trị” (politbarometer) hàng tuần, hàng tháng để quan chức lãnh đạo liên bang và bang biết uy tín của mình (qua mức độ hoàn thành công việc) hiện tại như thế nào để tự đánh giá trách nhiệm cá nhân. Vì vậy ở nước Đức, tham nhũng, lạm dụng quyền lực ít có “đất dụng võ”.

NGUYỄN QUANG DU

Nigeria trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên lưu hành tiền kỹ thuật số

Từ khoá : LSVN lsvn.vn