/ Góc nhìn
/ Có dấu hiệu của tội ‘Làm nhục người khác’ vụ hai mẹ con bị đổ phân lên người tại Phú Yên

Có dấu hiệu của tội ‘Làm nhục người khác’ vụ hai mẹ con bị đổ phân lên người tại Phú Yên

24/04/2021 10:55 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, nếu hành vi của bà C. có tính chất nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Làm nhục người khác”. Đặc biệt, có thể khung hình phạt sẽ nặng hơn nếu xác định hành vi của bà C. đưa đến việc cháu bé 02 tuổi bị rối loạn tâm thần và hành vi quy định tại điểm g, khoản 2 (khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm) và điểm a, khoản 3 (khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm) Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Xuất phát mâu thuẫn vì vay nợ

Những ngày gần đây, dư luận vô cùng xôn xao trước một đoạn clip mới được đăng tải trên mạng xã hội. Theo đó, đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ đang cầm xô phân tạt vào người 02 mẹ con một phụ nữ khác. Sau khi chứng kiến đoạn clip trên, nhiều người đã không khỏi bức xúc và phẫn nộ trước hành vi làm nhục người khác của đối tượng trong clip.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào tối 19/4 tại nhà chị C.T.G. (40 tuổi, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên).

Thời điểm trên, bà N.T.C. (56 tuổi, hàng xóm của chị G.) có qua nhà chị G. đòi tiền nợ. Tuy nhiên, chị G. không có tiền trả.

Hai bên xảy ra đôi co. Bà C. buông lời lẽ hăm dọa rồi tạt phân trộn với dầu hỏa lên người chị G. và lên đầu bé 02 tuổi con của chị.

Được biết, em bé 02 tuổi đã bị tổn thương về mặt tinh thần và thể xác.

Ngay khi nhận được thông tin, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đã giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp cùng Phòng LĐ-TB&XH huyện có những bước tiếp theo để hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị tổn thương.

Có dấu hiệu của tội ‘Làm nhục người khác’

Đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều quan điểm được đưa ra. Đa số đều không kìm nén được sự phẫn nộ của mình vì hành động của đối tượng trong clip.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi này là làm nhục người khác, có dấu hiệu xâm hại thân thể trẻ em. Vì vậy, rất cần các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng vào cuộc nhằm điều tra, làm rõ đồng thời xử lý nghiêm trị, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi của đối tượng trong clip.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, giao dịch giữa chị G. (người vay) và bà C. (chủ nợ) là một giao dịch dân sự giữa bên vay và bên cho vay, hợp đồng có thể được lập thành văn bản hoặc thỏa thuận miệng, việc cho vay và trả khoản vay đã được hai bên thỏa thuận, nếu một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ vay và cho vay thì chỉ được phép áp dụng các chế tài dân sự để xử lý tranh chấp, cụ thể là khởi kiện dân sự.

Ngoài ra, bên cho vay (chủ nợ) không được sử dụng các biện pháp đòi nợ không hợp pháp như đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm; xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của người vay nợ.

“Đáng ra sự việc nên được giải quyết theo phương châm “việc dân sự cốt ở đôi bên” mẹ của cháu bé chị G. là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì các điều kiện để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận trước đó giữa bà C. và chị G. có thể bị chậm lại, thì chủ nợ là bà C. cũng cần có sự cảm thông, ngoài quan hệ vay mượn thì bà C. và chị G. còn là chỗ hàng xóm thân tình. Nhưng sự việc lại bị đẩy đi quá xa khi bà C (chủ nợ) có hành vi mang xô phân sang nhà chị G. để đổ lên người chị và đứa con mới 02 tuổi. Hành vi của bà C dù xuất phát từ động cơ, mục đích nào đi chăng nữa thì cũng không thể chấp nhận được, rất đáng bị lên án và cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Luật sư Khuyên nhận định.

Theo Luật sư Khuyên, đối với hành vi của bà C., tại khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Bên cạnh đó, Điều 24, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Theo đó, Luật sư Khuyên cho biết, chỉ sử dụng các biện pháp thu hồi nợ một cách hợp pháp, được pháp luật bảo vệ; không được đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm; xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của người vay nợ.

“Bởi, hành vi đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm; xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác như hành vi của bà C. là hành vi trái pháp luật vì vậy, sẽ bị xử lý tùy thuộc vào nguyên nhân, động cơ, mục đích, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi của chủ thể vi phạm pháp luật.”, Luật sư Hà Thị Khuyên cho hay.

Ngoài ra, Luật sư Khuyên cũng cho biết thêm, tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chình trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Đồng thời, nếu hành vi của bà C. có tính chất nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Làm nhục người khác”.

Đặc biệt, có thể khung hình phạt sẽ nặng hơn nếu xác định hành vi của bà C. đưa đến việc cháu bé 02 tuổi bị rối loạn tâm thần và hành vi quy định tại điểm g, khoản 2 (khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm) và điểm a, khoản 3 (khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm) Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Trong sự việc này cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để điều tra nguyên nhân sự việc, động cơ và mục đích của bà C.; tính chất, mức độ hành vi của bà C.; hậu quả của hành vi của bà C. gây ra đối với tinh thần và thể chất mẹ con chị G. thế nào; bà C. thực hiện hành vi này một mình hay có người trợ giúp (đồng phạm); bà C. thực hiện hành vi này đối với chị G. là lần đầu hay đã thực hiện nhiều lần…”, Luật sư Hà Thị Khuyên nhận định.

Bên cạnh đó, không chỉ có chị G. mà còn có con chị chỉ mới 02 tuổi, cũng bị bà C. dội phân lên người, quát tháo nạt nộ dẫn đến tinh thần bị hoảng loạn, thậm chí có thể bị sang chấn tâm lý.

Theo đó, về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì chị G. cũng có thể yêu cầu bà C. bồi thường dân sự cho mình và con. Đồng thời, ngoài căn cứ vào thực tiễn sự việc, thì còn có thể căn cứ để xác định thiệt hại được quy định tại Điều 592, Bộ luật Dân sự (2015) đối với thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.     

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Từ vụ việc trên Luật sư Khuyên khuyến cáo, người dân chỉ thực hiện các giao dịch dân sự một cách hợp pháp, các giao dịch phải được lập thành văn bản, trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật thì cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, các bên cũng cần tôn trọng các điều khoản đã xác lập; tuân thủ trách nhiệm và các nghĩa vụ trong giao dịch dân sự đã xác lập. Khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn hoặc tranh chấp cần bình tĩnh đề xuất phương án và tạo điều kiện tốt nhất để đối tác có thể thực hiện nghĩa vụ của mình.

“Nếu các bên phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp từ giao dịch dân sự không thể tự giải quyết được, thì các bên có thể nhờ sự trợ giúp của Luật sư, của Tòa án để khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân”, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết.

LÂM HOÀNG

Nghị quyết Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phiên thứ nhất nhiệm kỳ X

Lê Minh Hoàng