/ Đời sống - Xã hội
/ Cơ hội phục hồi hàng không từ các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ

Cơ hội phục hồi hàng không từ các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ

22/10/2021 10:34 |

(LSVN) - Tại buổi toạ đàm do Tạp chí doanh nhân Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp vận tải hàng không đã thảo luận về bối cảnh chung và những kiến nghị để khơi thông hoạt động hàng không trong giai đoạn mới.

Hàng không cần được hỗ trợ 

Tại buổi toạ đàm, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, đánh giá làn sóng Covid-19 thứ 4 có ảnh hưởng nặng nề nhất về cả quy mô và độ sâu tác động tiêu cực đến 85-90% doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là hàng không và du lịch. Đây cũng là hai lĩnh vực cần được hỗ trợ mạnh mẽ để vực dậy sau thời gian dài gần như “đóng băng”.

Trong giai đoạn thí điểm tái khởi động mạng bay nội địa, số liệu cho thấy nhu cầu di chuyển của hành khách là khá cao sau một thời gian bị đè nén. Song nhìn chung, vẫn tồn tại một số vướng mắc cần được xem xét điều chỉnh để tạo thuận lợi cho các giai đoạn áp dụng chính thức kế tiếp. 

Đơn cử, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Bamboo Airways cho biết chính sách mở bán được công bố cận ngày mở bán vé sẽ khiến khách hàng khó tiếp cận thông tin; quy định giãn cách ghế cũng ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại của các hãng bay. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm vaccine chưa đồng đều, điều kiện bay đối với trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine và quy định phòng chống dịch của địa phương cũng tạo nên rào cản nhất định.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó TGĐ Bamboo Airways.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Xuân Quang – Phó TGĐ Vietjet Air cũng đề cập đến những khó khăn mà hãng hàng không tư nhân gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ khai thác 400-500 chuyến bay mỗi ngày, hãng không thể khai thác thương mại và hệ thống tàu bay phải nằm đất thời gian dài.

Tuy nhiên bất chấp tình hình, các hãng đều cho biết không sa thải bất kỳ nhân viên nào. Với việc mở rộng đội tàu bay và khai trương các đường bay mới tới Côn Đảo, Điện Biên, Bamboo Airways còn tuyển mới nhiều nhân sự, bao gồm đội ngũ phi công, kỹ sư, kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay… 

Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm, Bộ Giao thông vận tải đã thông qua kế hoạch triển khai các đường bay nội địa giai đoạn 21/10 - 30/11, trong đó nâng tần suất khai thác nhiều đường bay trục quan trọng như Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh. Điều kiện khách bay và quy định của địa phương cũng được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn, phần nào tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng hành khách và giúp hãng bay nhanh chóng khôi phục mạng bay nội địa. Cùng với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chuyên gia nhận định cơ hội cho doanh nghiệp phát triển ổn định đang dần được mở rộng. 

Cơ hội cạnh tranh bình đẳng 

Khi mở cửa thị trường vận tải hàng không là xu thế tất yếu sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các giải pháp để mở rộng cơ hội khai thác, qua đó vực dậy ngành hàng không – du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế đã được thảo luận dưới nhiều góc nhìn sâu sắc. 

Đánh giá mối quan hệ mật thiết giữa hàng không và du lịch, ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế TP. Hồ Chí Minh (VEC) thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đề xuất mở các đường bay đến các khu du lịch nội địa nổi tiếng và tiêm vaccine cho người dân ở vùng này nhằm thực hiện mục tiêu “mở cửa an toàn”, bởi nếu mở nhanh khu du lịch trong nước thì việc mở rộng đường bay sẽ được tháo gỡ. Hàng không và du lịch có tác động tương hỗ, do đó cũng cần có giải pháp kích cầu du lịch nội địa.

“Bamboo Airways mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay phù hợp theo từng giai đoạn, diễn biến dịch bệnh để các hãng bay chủ động xây dựng kế hoạch khai thác phù hợp; cũng như phân bổ khai thác bình đẳng cho các hãng hàng không, để các hãng hàng không tư nhân có cơ hội phục hồi, phát triển cũng như phục vụ nhu cầu khách hàng”, ông Nguyễn Khắc Hải kiến nghị. 

Bàn về giải pháp an toàn bay, ông Đỗ Xuân Quang phân tích: “Không ai muốn bay với tinh thần lo sợ, không thoải mái. Do đó, phải có giải pháp để hành khách cảm thấy an toàn khi bay”. Cùng với đó, ông đề xuất cần có chính sách của Chính phủ nhằm đảm bảo phòng chống, quản lý dịch bệnh hiệu quả và chính sách riêng của hãng hàng không để thực hiện những “chuyến bay xanh”. 

Ông Đỗ Xuân Quang – Phó TGĐ Vietjet Air.

Đối với vấn đề tiêm chủng vaccine, việc đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu được đánh giá là điều tất yếu, giúp tiết kiệm thời gian khi triển khai chuyến bay và tạo cơ sở kiểm soát dịch hiệu quả. Song ở khía cạnh khác, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều địa phương mới đạt tỷ lệ phủ 20-30%, việc áp dụng tiêu chí tiêm vaccine đối với hành khách chưa hợp lý. 

PV

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội

Lê Minh Hoàng