(LSVN) - Việc xem xét áp dụng cho người tham nhũng nộp tiền để được giảm án trong xử lý thu hồi tài sản tham nhũng là rất quan trọng, nên làm. Tuy nhiên, nếu triển khai trong thời điểm hiện nay cần phải hết sức thận trọng và nên thí điểm từng bước, từng giai đoạn trước khi triển khai đồng loạt.
Ảnh minh họa.
Thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc coi việc nộp lại tiền tham nhũng là tiêu chí quan trọng để miễn, giảm nhẹ hình phạt trong các vụ án tham nhũng. Có thể nói đề xuất này là có cơ sở, phù hợp với thực tiễn của công cuộc phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến trái chiều, băn khoăn cho rằng cần thận trọng, chặt chẽ, thậm chí chưa nên áp dụng trong thời điểm hiện nay. Theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng việc xem xét áp dụng tiêu chí này trong xử lý thu hồi tài sản tham nhũng là rất quan trọng, nên làm. Tuy nhiên, nếu triển khai trong thời điểm hiện nay cần phải hết sức thận trọng và nên thí điểm từng bước, từng giai đoạn trước khi triển khai đồng loạt.
Bởi nếu áp dụng không đúng thời điểm, khi điều kiện chưa phù hợp có thể bị lợi dụng áp dụng tiêu chí này một cách tùy tiện, thiếu chặt chẽ và sẽ dẫn đến các hệ lụy tiêu cực khác cũng như phản tác dụng, gây khó khăn cho công cuộc phòng chống tham nhũng. Do đó, theo tác giả chỉ nên triển khai chủ trương này trong một số trường hợp và phải dự báo, kịp thời khắc phục được những bất cập, hạn chế có thể nãy sinh. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc trả lại tiền, bồi thường bằng tiền, bằng tài sản để được giảm nhẹ hình phạt chỉ nên áp dụng đối với các loại tội phạm với lỗi vô ý như buông lỏng, thiếu trách nhiệm… hoặc đối với các loại tội ít nghiêm trọng, đặc biệt không nên chuyển thành các vụ dân sự đối với các tội phạm tham nhũng như một số ý kiến đề xuất... Bởi, đối với các loại phạm tội nghiêm trọng trở lên hoặc cố ý thì bên cạnh việc phải xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội thì buộc thu hồi toàn bộ tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại là cần thiết, phải làm, không có sự nhân nhượng, mặc cả, thỏa hiệp ở đây, trách nhiệm hình sự khác với dân sự. Nếu không sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, mất niềm tin của nhân dân.
Thứ hai, các loại tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đa số đều có đồng phạm với sự cấu kết, phe nhóm... cùng phạm tội, chia chác của công. Vì vậy, nếu không chặt chẽ, thiếu thận trọng sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho các phe nhóm phạm tội "chạy tội" cho đồng bọn khi bị phát hiện. Đó là trường hợp khi bị phát hiện cả nhóm sẽ cho một tên đứng ra nhận tội và không khai ra những kẻ liên quan. Sau đó những kẻ này sẽ đóng góp, hùn tiền cho kẻ nhận hết tội về mình khắc phục hậu quả, trả lại tiền để được miễn, giảm nhẹ hình phạt.
Từ đó, chuyển từ thực trạng hiện nay là "hy sinh đời bố, củng cố đời con" sang "hy sinh tài sản, củng cố phe nhóm" rất nguy hiểm. Điều này gây thêm khó khăn cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vốn đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn. Bởi các đối tượng phạm tội tham nhũng là những kẻ có chức, có quyền, có sự che chắn, bộc lót cho nhau rất kỹ càng, tinh vi... Do đó, khi chưa ngăn chặn triệt để tình trạng câu kết, phe nhóm, cục bộ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thì việc áp dụng quy định này khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thứ ba, để triển khai thu hồi tài sản đạt kết quả cần mở rộng đối tượng cần điều tra, xác minh liên quan đến người phạm tội. Theo đó, không chỉ đối với bố mẹ, vợ chồng, con cái (thuộc hàng thừa kế thứ nhất) mà nên mở rộng ra các đối tượng khác như ông bà, anh chị, em ruột, cô dì, chú bác... (thuộc hàng thừa kế thứ hai, thứ ba) của người đó. Bởi nhiều trường hợp người phạm tội che giấu, tẩu tán tài sản ra các đối tượng là bà con thân quen với nhiều thủ đoạn phức tạp, tinh vi như chuyển nhượng, cho vay, cho mượn...
Thiết nghĩ, tài sản tham nhũng thuộc về Nhà nước, thuộc về Nhân dân nên không thể coi việc "trả lại tài sản không phải của mình" thì đương nhiên được miễn, giảm hình phạt mà chỉ nên xem đó là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Đặc biệt nếu áp dụng quy định này thì chỉ nên đối với các loại tội phạm ít nghiêm trọng và hành vi phạm tội với lỗi vô ý mà thôi.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum