/ Góc nhìn
/ Có nên 'xóa sổ' lễ hội chọi trâu?

Có nên 'xóa sổ' lễ hội chọi trâu?

12/02/2021 11:44 |

(LSVN) – Có nên "xóa sổ" lễ hội chọi trâu là câu hỏi gây ra không ít quan điểm trái chiều từ các học giả cũng như dư luận cả nước nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhà nước cần quản lý chặt và xử lý nghiêm những biến tướng từ lễ hội chọi trâu, thay vì chỉ đưa ra những quan điểm cấm hay loại bỏ lễ hội. Chính quyền địa phương cần quy hoạch và đầu tư trường đấu một cách bài bản, hiện đại, để đảm bảo an toàn cho chủ trâu cũng như những người tham gia lễ hội chọi trâu.

 

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn thu hút nhiều du khách thập phương.

Những năm qua, lễ hội chọi trâu đã nhận được không ít phản hồi thiếu tích cực. Nhiều người cho rằng hình ảnh con trâu hiền lành chọi nhau là rất phản cảm, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp” nay lại trở thành vật cá độ mỗi dịp lễ hội… Việc tổ chức lễ hội này đã đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu, bị thương mại hóa và thậm chí gây nên tai nạn chết người. Nhiều lễ hội chọi trâu được tổ chức nhằm mục đích cá cược ăn thua. Người không có kinh nghiệm huấn luyện trâu cũng có thể tham gia. Thậm chí, trâu không đủ tiêu chuẩn cũng vẫn được chọi. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 01/7/2017 tại lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, con trâu số 18 có biểu hiện bất thường, hung hăng những vẫn được vào sân thi đấu và đã húc chết chủ. Vậy, có nên duy trì lễ hội chọi trâu khi ngày càng có nhiều biến tướng từ lễ hội này.

Cộng đồng sẽ tự điều chỉnh

Theo TS. Đinh Đức Tiến, Trường ĐH Khoa học, xã hội và Nhân văn nhận định, lễ hội chọi trâu là một lễ hội dân gian có truyền thống, đã có từ lâu đời và không nên bỏ lễ hội này, không những thế cần duy trì và tổ chức bài bản hơn nữa. Việc đứng từ góc nhìn phiến diện sẽ thực sự là thiếu hiểu biết nếu đề nghị bỏ lễ hội này chỉ bởi những cảm giác nhất thời. Dưới góc nhìn con trâu luôn gắn với hình ảnh hiền lành nhưng lại bắt ra chọi gây phản cảm đã trở thành quan điểm đang tác động không tích cực đến lễ hội cũng như quản lý lễ hội dân gian truyền thống trong nhiều năm qua.

“Nếu chúng ta tiếp tục giữ quan điểm cấm tổ chức những lễ hội, vô tình chúng ta đang phá hoại lễ hội truyền thống và làm lệch lạc đi, thậm chí là gián tiếp loại bỏ đi những giá trị văn hóa đặc thù của mỗi lễ hội”, TS. Tiến chia sẻ.

Nhìn nhận vào thực tế, nếu lễ hội truyền thống mất đi những nghi thức, sinh hoạt đặc thù thì hãy thử hình dung, các lễ hội dân gian trên cả nước sẽ giống nhau theo kiểu cách "Nhân bản lễ hội truyền thống trong đời sống đương đại".

Cùng với đó, việc loại bỏ những giá trị văn hóa truyền thống đặc thù - sự kiện văn hóa đặc biệt sẽ vô tình khiến chúng ta không những không thu hút được lượng khách đến tham quan và phát triển du lịch, mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.

Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn thường làm ta liên tưởng đến một lễ hội nổi tiếng, đó là lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha và việc trở thành "thương hiệu", văn hóa cho quốc gia này đối với thế giới sẽ làm ta phải suy xét liệu bỏ đi lễ hội mang giá trị văn hóa truyền thống như chọi trâu có là điều ta đáng nên làm.

Đứng từ góc nhìn truyền thống và văn hóa tâm linh, chúng ta sẽ thấy những lễ hội có những ý nghĩa riêng có để tồn tại trong từng không gian văn hóa nhất định. Các vấn đề văn hóa rất khó hoặc không thể xác định đúng - sai một cách rạch ròi, vấn đề là chúng ta đứng từ quan điểm, góc nhìn nào mà thôi.

Vấn đề đặt ra là, phải luôn tôn trọng chủ thể văn hóa (cộng đồng sản sinh ra lễ hội) - người dân Đồ Sơn, thay vì đề nghị bỏ hay đưa ra những mệnh lệnh hành chính để bỏ, thì hãy trao quyền ấy cho người dân địa phương. Họ sẽ là người quyết định bỏ hay giữ sản phẩm văn hóa của cộng đồng mình (tôn trọng quyền tự quyết của chủ thể văn hóa).

“Bởi văn hóa cần sự đa dạng và chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa theo tôn chỉ của UNESCO: Tôn trọng và Chấp nhận những thứ khác biệt với mình”, TS. Đinh Đức Tiến nhận định.

Nhà nước quản lý thế nào?

TS. Đinh Đức Tiến, Trường ĐH Khoa học, xã hội và Nhân văn.

Liên quan đến quan điểm biến tướng trong lễ hội chọi trâu, TS. Đinh Đức Tiến cho rằng, cần phải chỉ rõ được biến tướng cái gì, ở đâu, trong trường hợp nào. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn thường "biến tướng" ở những yếu tố sau: Một là, sử dụng thuốc kích thích (doping) cho trâu trong thi đấu; Hai là, dùng thịt trâu thường giả làm trâu chọi để bán giá cao, trục lợi; Ba là, hoạt động cá độ - cờ bạc.

Cụ thể, về những vấn nạn như các hình thức cá độ - cờ bạc, TS. Đinh Đức Tiến cho rằng đó là một hình thức mà cần phải quản lý. Đương nhiên, Nhà nước vẫn có những luật cấm các hình thức cờ bạc, cá độ, thế nhưng hãy nhìn vào các nước trên thế giới, cụ thể và rõ ràng nhất là hình thức đua ngựa, họ vẫn cho tiến hành cá độ công khai và số tiền cá độ được Nhà nước họ thu thuế, tức là vừa quản lý được người cá độ, vừa quản lý được kinh tế và câu hỏi được đặt ra là tại sao lại không làm như vậy. Đó cũng là một giải pháp.

Việc hợp pháp hóa các hình thức trên có thể giúp ta quản lý dễ hơn các vấn nạn trong câu chuyện hiện nay mà điển hình là cá độ, việc cấm các hình thức trên có thể dẫn tới một hiện trạng khó tránh khỏi đó là vừa không quản lý được, vừa không đủ thuế cho Nhà nước và cũng vừa không đủ nguồn thu cho ngân sách. Điều đó là cái mà chúng ta rất lãng phí, và cuối cùng vấn đề vẫn là gây tranh cãi.

Thứ hai là việc bán thịt trâu chọi, ví dụ con trâu vừa chọi mang ra sẻ thịt, người bán 5 triệu hay 10 triệu đó là việc thỏa thuận giá giữa người mua và người bán, không thể can thiệp vào chuyện giá bao nhiêu vì việc can thiệp là sai luật. Nhưng vấn đề cần quản lý ở đây là việc thay thế con trâu chọi bằng một con trâu khác và bán với giá trên trời. Và đó là cái mà nên được quản lý chặt và nghiêm khắc xử lý.

“Nhà nước cần quản lý chặt và xử lý nghiêm những biến tướng vừa nêu, thay vì chúng ta đưa ra quan điểm cấm hay loại bỏ lễ hội này. Một lưu ý nữa cần đề cập, chính quyền địa phương cần quy hoạch và đầu tư trường đấu một cách bài bản, hiện đại, để đảm bảo an toàn cho chủ trâu cũng như những người tham gia lễ hội chọi trâu”, TS. Đinh Đức Tiến nhận định.

MỸ LINH - LÂM HOÀNG

Đêm Giao thừa đặc biệt!

Lê Minh Hoàng