/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cơ sở kinh doanh phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế: Kiểm soát tốt doanh thu và tiền thuế phải nộp?

Cơ sở kinh doanh phải kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế: Kiểm soát tốt doanh thu và tiền thuế phải nộp?

19/08/2021 08:14 |

(LSVN) – Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế đối với các tổ chức, cá nhân như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn là khả thi trên thực tế, nhằm kiểm soát tốt doanh thu và số tiền thuế phải nộp của các đơn vị kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ (Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022). 

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, các trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế gồm tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) có hoạt động trong lĩnh vực: trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc  tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí; đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng khác. Trong đó, máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ, hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.

Theo Bộ Tài chính, việc kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế được xem là một trong những giải pháp chống thất thu thuế, cũng để minh bạch trong quản lý, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Theo đó, các hộ kinh doanh này sẽ không bị cơ quan thuế áp đặt, ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp, mà sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế. Qua việc áp dụng kết nối máy tính tiền này, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền làm cơ sở chỉ đạo cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế…”.

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế nhằm đảm bảo nguyên tắc: “Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; Không bắt buộc có chữ ký số; Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế” (Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Như vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế đối với các tổ chức, cá nhân như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn là khả thi trên thực tế, nhằm kiểm soát tốt doanh thu và số tiền thuế phải nộp của các đơn vị kinh doanh. Do đó, sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế sẽ tạo môi trường kinh doanh, công bằng, tránh được tình trạng nhiều doanh nghiệp trên thực tế trốn thuế, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, tạo sự minh bạch trong quá trình quản lý thuế giữa cơ quan thuế và các đơn vị kinh doanh nộp thuế một cách chính xác về các loại hàng hoá bán ra, giá thành sản phẩm, mức thuế phải chịu theo quy định của pháp luật.

Có khả thi?

Theo Luật sư Tuấn, điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định: “Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn”. Như vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế giúp cắt giảm chi phí, hiện đại hóa hoạt động của các chủ thể này.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong quá trình áp dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, việc áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế sẽ phụ thuộc vào đường truyền của Tổng cục Thuế để xác thực hóa đơn trước khi gửi cho khách hàng. Trường hợp đường truyền mạng hay hệ thống liên kết với Tổng cục Thuế bị lỗi thì các chủ thể có thể gặp phải vấn đề chậm trễ trong quá trình xuất hóa đơn, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, để sử dụng hóa đơn điện tử, các chủ thể phải xây dựng được hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc sử dụng hóa đơn này. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ chuyên môn cao để có thể sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này đòi hỏi các chủ thể phải phát sinh chi phí để xây dựng bộ máy vận hành loại hình hóa đơn này.

Thứ hai, việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế khiến cho các chủ thể mất đi quyền xử lý hóa đơn điện tử khi bị sai sót trong trường hợp hóa đơn chưa gửi cho người mua. Theo quy định trước đây, trường hợp người bán phát hiện hợp đồng chưa gửi cho người mua có sai sót thì có thể tự chỉnh sửa thông tin trên hóa đơn điện tử rồi gửi lại cho người mua. Nhưng khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, người bán phải thực hiện thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn; lập hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử và gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập đã gửi cho người mua. Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm hủy hóa đơn điện tử đã cáp mã có sai sót trên hệ thống. Quy trình xử lý hóa đơn điện tử sai sót trong trường hợp này phụ thuộc hoàn toàn vào việc xử lý của cơ quan thuế, do đó có thể xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xử lý và xuất hóa đơn mới cho khách hàng.

Thứ ba, các chủ thể thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế bắt buộc phải nhập và thanh toán bằng máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Do đó, đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ có thể họ không trang bị máy tính tiền mà sử dụng tính toán theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính Phủ thì bắt buộc các chủ thể kinh doanh này phải trang bị máy tính tiền có liên kết với Cơ quan thuế mới có thể xuất được hóa đơn. Điều này cũng sẽ gây gia tăng chi phí lắp đặt, vận hành cho các chủ thể kinh doanh.

Thứ tư, có thể vẫn tồn tại những “lỗ hổng” sẽ dễ dàng khiến cho các cơ sở kinh doanh “lách” tiền thuế. Với các hình thức kinh doanh này, phần nhiều khách hàng thanh toán bằng tiền mặt và không yêu cầu hoá đơn, các cơ sở này có thể bán hàng trực tiếp mà không nhập dữ liệu bán hàng vào hệ thống bán hàng. Khi không kiểm soát được giao dịch kinh doanh của các cơ sở, đơn vị nộp thuế thì vẫn sẽ gây ra những thất thoát không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Quản lý như thế nào?

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính Phủ về việc áp dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế đối với các tổ chức, cá nhân, cơ quan sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2022. Do đó, việc xây dựng cơ chế quản lý của các Cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử đến các tổ chức, cá nhân. Tập trung nguồn lực tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp về các lợi ích cũng như sự thuận lợi khi áp dụng hóa đơn điện tử, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức hội nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng kĩ thuật và các thao tác lập, sử dụng hóa đơn điện tử.

Xây dựng cơ chế quản lý thuế theo nguyên tắc mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật; Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam;...

Thanh tra, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện những thiếu sót còn hạn chế để tìm biện pháp khắp phục. Xử lý nghiêm các đơn vị tổ chức, cá nhân, cơ quan có hành vi như Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ; Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế” theo quy định của pháp luật.

YÊN CHI

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi vi phạm quy định phòng chống dịch

Lê Minh Hoàng