(LSVN) - Mẹ tôi sinh được hai người con trai, tôi đi làm ăn ở nước ngoài, mẹ tôi ở với anh trai tôi. Tôi có về nước thăm gia đình họ hàng mấy ngày trước, tuy nhiên, nghe bà con hàng xóm trao đổi lại thì tôi biết được rằng anh trai mình đối xử tệ bạc với mẹ, thường xuyên quát mắng, bắt bà cụ ăn riêng, có bữa còn nhịn ăn. Vì vậy, tôi muốn hỏi, pháp luật Việt Nam có quy định việc này không? Bạn đọc L. H. hỏi.
Theo khoản 7.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định:
7.1 Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần. |
Theo đó, hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được thể hiện qua các hành động:
- Đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường;
- Hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.
Theo Thông tư liên tịch trên, đối tượng của hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
"Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ". |
Như vậy, hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ là trái pháp luật. Người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người có hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể Điều 50 quy định, phạt tiền từ 1,5 - 02 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Đối xử tồi tệ với ông bà, cha mẹ như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; - Bỏ mặc không chăm sóc ông bà, cha mẹ là người già, yếu, tàn tật. |
Người thực hiện hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với một trong các tội sau: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình 1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. |
Căn cứ vào Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung 2017, nếu hành vi cố ý ngược đãi, hành hạ dẫn đến việc sức khỏe của ông bà, cha mẹ bị tổn hại dưới 11% thì người phạm tội còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, nếu tỉ lệ gây thương tích nặng hơn thì phải chịu các mức phạt như sau:
- Phạt tù từ 02 năm đến 06 năm nếu tỉ lệ thương tích từ 11% - 30%;
- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu tỉ lệ thương tích từ 31% - 60%;
- Phạt tù từ 07 năm đến 14 năm nếu tỉ lệ thương tích trên 61%;
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội với 02 người là cha, mẹ, ông, bà đều có tỉ lệ thương tích trên 61%.
Như vậy, trong trường hợp hành hạ, ngược đãi ông bà, cha mẹ bằng hành vi bạo lực gây thương tích cho người bị bạo hành thì người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
PHẠM HƯƠNG