/ Góc nhìn
/ Con voi chui lọt lỗ kim

Con voi chui lọt lỗ kim

20/06/2021 16:45 |

(LSVN) - Việc ban hành những quyết định bổ nhiệm không đúng quy định tiêu chuẩn cho những người thân trong gia đình của lãnh đạo tại địa phương mà người ta hay nói là ‘Con ông, cháu cha’ hết sức phổ biến. Rõ ràng, những người tham mưu cho lãnh đạo ra quyết định bổ nhiệm dư biết những quy định – tiêu chuẩn – điều kiện để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được quy định tại các văn bản như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật. Đó là các Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Thông tư… Tuy nhiên, vì nể nang, vì lợi ích nhóm, vì muốn lập công với lãnh đạo… Nên họ vẫn cố tình để 'con voi chui lọt lỗ kim'.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi quyết định bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang (thứ 02 từ phải sang) giữ chức Phó giám đốc Sở KH&ĐT.

Tại buổi họp báo của Bộ Nội Vụ chiều ngày 18/6, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, thực hiện kết luận của UBKT Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản rút lại các quyết định bổ nhiệm cán bộ khi không đủ điều kiện.

Theo đó, trong số các trường hợp bị rút quyết định bổ nhiệm có bà Trần Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc.

Sau khi Vĩnh Phúc rút lại quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở KH&ĐT đối với bà Trần Huyền Trang (31 tuổi), chưa rõ bà Trang được bố trí công tác nào.

Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, làm Phó Giám đốc Sở KH&ĐT. Bà Trang năm nay 31 tuổi, là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.

Bà Trần Huyền Trang từng du học Trung Quốc, sau đó về làm chuyên viên của Thành đoàn TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ đầu năm 2013. Đến giữa năm 2016 chuyển sang làm chuyên viên Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2017, bà Trang được cử đi học ở Singapore. Năm 2018, bà Trang trở về nước và được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng tại Sở KH&ĐT, rồi Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở KH&ĐT).

Cố tình để “Con voi chui lọt lỗ kim”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Cận, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, qua thông tin từ báo chí và các cơ quan truyền thông, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định thu hồi Quyết định bổ nhiệm đối với trường hợp bà Trần Thị Huyền Trang, theo đó, quyết đinh thu hồi đã được UBKT Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra và đã có kết luận, nên các cá nhân có liên quan sẽ tùy theo mức độ sai phạm mà xử lý các hình thức kỷ luật.

Cung theo Luật sư Cận, thời gian qua, việc xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức ở một số địa phương đã gây bất bình trong nhân dân và dư luận.

“Việc ban hành những quyết định bổ nhiệm không đúng quy định tiêu chuẩn cho những người thân trong gia đình của lãnh đạo tại địa phương mà người ta hay nói là ‘Con ông, cháu cha’ hết sức phổ biến. Rõ ràng, những người tham mưu cho lãnh đạo ra quyết định bổ nhiệm dư biết những quy định – tiêu chuẩn – điều kiện để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được quy định tại các văn bản như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật. Đó là các Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Thông tư… Tuy nhiên, vì nể nang, vì lợi ích nhóm, vì muốn lập công với lãnh đạo… Nên họ vẫn cố tình để ‘con voi chui lọt lỗ kim’”, Luật sư Cận cho hay.

Hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ

Theo Luật sư Cận, thực chất những hành vi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, hành vi này có những đặc điểm riêng, tinh vi hơn.

"Cụ thể, nếu hành vi đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì thường sẽ bị xem xét ở các tội “Nhận hối lộ” (Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017), tội “Đưa hối lộ” (Điều 364, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017), tội “Môi giới hối lộ” (Điều 365, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017) mà chưa được ghi nhận thành một điều độc lập, hay chưa được coi là tình tiết tăng nặng của các tội này”, Luật sư Cận nhận định.

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Điều 365. Tội môi giới hối lộ

1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

7. Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Tuy nhiên, Luật sư Cận cũng cho rằng, ở trường hợp này khả năng những người cố tình làm sai quy định là do nể nang, nịnh nọt đối với cấp trên nên không thể quy kết họ vào những tội danh đã quy định trong Bộ luật Hình sự được.

Nếu có dấu hiệu rõ ràng sẽ xử lý về mặt chính quyền hoặc xử lý về mặt hình sự

Về việc thu hồi quyết định bổ nhiệm sai đối với bà Trần Thị Huyền trang, Luật sư Cận cho biết, việc này đã được UBKT Trung ương thanh tra, kiểm tra và ra kết luận nên những cá nhân liên quan đến việc đề xuất bổ nhiệm sẽ tuy theo mức độ mà xử lý kỷ luật về mặt Đảng, có dấu hiệu rõ ràng sẽ xử lý về mặt chính quyền hoặc xử lý về mặt hình sự.

“Trong lịch sử, ông cha ta đã có Luật Hồi tỵ, người đầu tiên áp dụng có lẽ là Vua Lê Thánh Tông. Năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức (1486), ông ra chỉ dụ cấm quan lại được lấy vợ là đàn bà, con gái tại nơi làm quan, nhằm "Ngăn chặn từ xa" tình trạng các bà vợ "chỉ huy" các ông quan chồng để thao túng quyền hành. Vào năm Mậu Thân (1488), Vua xuống chiếu cấm những người là chú, bác - cháu ruột, anh em ruột (đến năm Bính Thìn - 1496), quy định được mở rộng đến cả những người là anh em con cô con cậu, con dì con già và cả những người là thông gia với nhau cùng làm xã trưởng (như các chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã hiện nay). Nếu đã cùng làm xã trưởng rồi thì giữ lại một người "đứng đắn nhất", có thể làm được việc, còn những người khác thì phải về làm dân. Trong Quốc triều hình luật (thường gọi là Luật Hồng Đức) cũng có một số điều khoản mang tính "Hồi tỵ".quy định không được bổ nhiệm một người làm quan ngay tại nơi người đó sinh ra và lớn lên. Làm quan rồi thì không được bổ nhiệm người thân vào các chức vụ liên quan”, Luật sư Nguyễn Văn Cận cho biết.

Bên cạnh đó, Luật sư Cận cũng cho hay, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định liên quan đến công tác xây dựng cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển cán bộ, như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004, của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/2/2009, của Hội nghị Trung ương 9 khóa X, về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05/6/2012, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đặc biệt, gần đây nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Theo đó, mục tiêu của công tác luân chuyển cán bộ là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Nhìn nhận sâu xa, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hậu” là hệ quả trực tiếp, xuất phát từ cơ chế khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ.

Do đó, từ thực tiễn mấy chục năm ấy, có thể tìm ra giải pháp cho hiện tượng trên là loại bỏ trình trạng này, xây dựng, hoàn chỉnh, thực hiện nghiêm túc cơ chế luân chuyển, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở không phải là người địa phương đó. Thì hoàn toàn có thể hạn chế, ngăn chặn được hiện tượng “con ông cháu cha”, cả họ làm quan, chọn người nhà hơn chọn người tài, bổ nhiệm thần tốc... ở không ít bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

“Pháp luật chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể cơ quan, đơn vị. Trên thực tế ở nhiều địa phương, thời gian qua có hiện tượng bổ nhiệm sai, bổ nhiệm dư thừa cấp phó rất nhiều. Cá biệt, có địa phương có tình trạng bổ nhiệm nhiều người nhà vào các chức danh lãnh đạo, gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng người đứng đầu không chịu trách nhiệm. Theo tôi, việc bổ nhiệm người nhà nếu sai quy định thì người đứng đầu cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật nặng nhất: Khai trừ đảng, buộc thôi việc….. có như vậy mới đảm bảo kỷ cương, phép nước”, Luật sư Nguyễn Văn Cận bày tỏ quan điểm.

TRẦN MINH

Cơ quan tố tụng lúng túng khi khép tội doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân

Admin