Thời gian gần đây, có lẽ “sao kê” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Câu chuyện sẽ không có gì để nói đến khi một cá nhân livestream “bóc phốt” cũng như đưa ra nhiều giả thuyết về vấn đề kêu gọi tiền từ thiện của các nghệ sĩ Việt, đặc biệt là trong đợt cứu trợ miền Trung vừa qua.
Đáp trả những lời “thách thức” từ cá nhân này, mới đây một vợ chồng nghệ sĩ Việt đã công khai một file danh sách các khoản chi kèm theo biên bản xác nhận, thư cảm ơn của các MTTQ, UBND liên quan đến kêu gọi ủng hộ, cứu trợ các tỉnh Miền trung năm 2020. Vậy, tính xác thực của những tài liệu trên được xác định như thế nào?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS nhận định, việc vợ chồng nghệ sĩ này công khai file ghi lại các khoản chi kèm theo biên bản xác nhận, thư cảm ơn của các MTTQ, UBND liên quan đến kêu gọi ủng hộ, cứu trợ các tỉnh Miền trung năm 2020 đã gây xôn xao dư luận.
Các bản sao kê của ngân hàng thường có độ chính xác cao so với các biên bản, giấy xác nhận và thư cảm ơn khác. Tuy nhiên, việc sao kê chỉ có thể chứng minh đến thời điểm tiền về tài khoản, thời điểm rút tiền và tài khoản đó có số dư như thế nào. Nó không có tác dụng chứng minh, xác thực số tiền đã rút được sử dụng để làm gì.
Ngoài ra, các biên bản nói trên có đủ để xác nhận tính chính xác, minh bạch và khách quan hay không thì còn phải phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng. Nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy không có sai phạm thì vợ chồng nghệ sĩ này có thể làm đơn tố giác những người đưa tin không đúng sự thật đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hình sự về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cần có sự kiểm toán rõ ràng?
Vợ chồng nghệ sĩ này còn cho biết sẽ livestream trực tiếp tại ngân hàng cùng Luật sư, báo chí. Trong đó, báo chí, Luật sư là bên thứ 3 chứng kiến toàn bộ sự việc và công khai cho mạnh thường quân cả nước. Như vậy, có đảm bảo tính công khai, minh bạch hay cần có một bên kiểm toán rõ ràng hơn?
Ông Nguyễn Đức Hùng cho rằng, nguyên tắc cơ bản của sự minh bạch trong việc ủng hỗ, cứu trợ là không sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi, vì sẽ bị lẫn lộn với các giao dịch cá nhân và còn liên quan tới thuế thu nhập. Việc sử dụng tiền cứu trợ phải được lập quỹ theo đúng pháp luật, hoặc tạo một tài khoản chỉ dùng để kêu gọi, sau khi ngừng kêu gọi thì đóng tài khoản ngay. Như vậy, mới đảm bảo được tính minh bạch.
Việc vợ chồng nghệ sĩ này mời Luật sư hay nhà báo chứng kiến buổi công bố sao kê không thể hiện hết được sự minh bạch trong tài chính. Bởi báo chí chỉ có chức năng đưa tin, phản ánh về buổi công bố chứ không kết luận vụ việc, kết luận đúng sai phải do cơ quan chức năng. Còn Luật sư chỉ có thể kiểm chứng về giá trị pháp lý của sao kê tại thời điểm đó. Vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện, khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ, như vậy mới khách quan và chính xác.
Vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện, khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ, như vậy mới khách quan và chính xác về thời gian đóng/mở tài khoản, từc là thời điểm bắt đầu và ngừng nhận hỗ trợ. Cần công khai sao kê chi tiết biến động số dư, để mạnh thường quân có thể tự kiểm được giao dịch của mình và đảm bảo minh bạch dòng tiền; Công khai chi tiết báo cáo đầu ra, tức là tiền giải ngân như thế nào, phát cho ai, phát bao nhiêu, phát vào thời gian nào, thậm chí là mời Cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh và sau đó công bố chi tiết cho dư luận.
Với số tiền lớn như vậy mà chỉ phát trực tiếp trên livestream trên Facebook sẽ rất khó khăn để có thể xác định được đầy đủ các thông tin về số tiền chuyển đến, chuyển đi, số tiền rút ra trong tài khoản,… Hơn nữa, những thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận. Do đó, để có được kết quả về sự minh bạch, khách quan thì chỉ có các Cơ quan chức năng như Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra phối hợp với Kiểm toán nhà nước, xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, khách quan theo quy định của pháp luật.
Ăn chặn tiền từ thiện, xử lý thế nào?
Sao kê tài khoản ngân hàng là việc sao lại bản sao chi tiết những giao dịch phát sinh tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tổ chức. Những phát sinh giao dịch này bao gồm tất cả các giao dịch tín dụng ra và vào tài khoản. Sao kê chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản. Việc sao kê tài khoản được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng có sự thỏa thuận giữa 2 bên (cá nhân hoặc tổ chức và Ngân hàng) và sử dụng đúng mục đích yêu cầu. Do đó, việc in sao kê tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của chủ tài khoản và chỉ được sao kê khi Cơ quan điều tra có yêu cầu cung cấp liên quan đến các vụ án để bổ sung vào hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hùng, hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về sao kê tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, để giải đáp được những vướng mắc cũng như những các cứ pháp lý phục vụ công tác điều tra các vụ án có hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác. Các ngân hàng cho phép chủ tài khoản được phép sao kê tài khoản ngân hàng của mình khi có nhu cầu. Cụ thể, mỗi ngân hàng sẽ có những quy định riêng về trình tự thủ tục thực hiện.
Việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, vào tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân đó, hoặc người được cá nhân đó ủy quyền. Pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ đã chấp nhận làm thiện nguyện, dùng ảnh hưởng của mình để huy động tiền thì cũng phải chấp nhận cơ chế quản lý công khai hoạt động tài khoản sao cho minh bạch.
Thực tế, các nghệ sĩ chỉ được xem là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và là người chuyển số tiền từ thiện cho những người đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong dư luận lại có nhiều ý kiến tiêu cực về việc tố cáo các nghệ sĩ “ăn chặn” tiền từ thiện. Do đó, để chứng minh được sự minh bạch thì việc sao kê tài khoản ngân hàng là một điều cần thiết.
Hành vi ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những hành vi đáng lên án, vô liêm sỉ, là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong quá trình xác minh nếu có hành vi trục lợi từ việc sao kê tài khoản từ thiện thì bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được theo quy định hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội.
NGỌC ANH
Để lộ thông tin khách hàng, nhân viên MB Bank có thể phải đối diện với mức án cao nhất đến 7 năm tù