Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự luật do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây. Trong báo cáo tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều gợi mở cho việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức của Việt Nam. Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến quyền nghỉ ngơi của công chức với số ngày nghỉ rất cao.

Ảnh minh họa.
Đáng chú ý tại một số quốc gia, nếu công chức không nghỉ hết các ngày nghỉ quy định trong năm sẽ được cộng dồn, sử dụng trong suốt cuộc đời công chức. Hay công chức được nghỉ thai sản, chăm con đến 3 năm hoặc được nghỉ khi nhận con nuôi.
Tại Việt Nam, Bộ Nội vụ khuyến nghị có thể cân nhắc bổ sung quy định về các ngày nghỉ, mục đích nghỉ như: Nghỉ giải quyết việc riêng (làm thủ tục hành chính nhà đất, giấy phép lái xe, đi khám bệnh…); kéo dài thời gian nghỉ thai sản; nghỉ nhận con nuôi; nghỉ chăm sóc con cái, bố mẹ, anh chị em ruột ốm; nghỉ tham gia các hoạt động xã hội.
Về chế độ làm việc, trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số và công dân số, Bộ Nội vụ đề xuất xem xét cho một số công chức được làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả công việc. Chế độ làm việc này có thể áp dụng với một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân; công chức phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già ốm yếu và điều kiện nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ.
Theo Bộ Nội vụ, chế độ làm việc từ xa giúp cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về năng lượng chiếu sáng, điều hòa, máy móc, phòng làm việc. Mặt khác công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt.