/ Góc nhìn
/ Công khai danh tính

Công khai danh tính

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tỉnh Khánh Hòa vừa có một động thái mạnh mẽ gây chú ý dư luận là công khai danh tính 3 cựu lãnh đạo của tỉnh này dây dưa không chịu trả nhà công vụ.

Ảnh minh họa. 

Khi giữ một cương vị nhất định nào đó, theo chế độ thì được ở nhà công vụ, thôi không ở cương vị đó thì đương nhiên phải trả nhà. Một số vị cựu lãnh đạo không hiểu được lẽ đương nhiên đó mà cứ mặc định sử dụng tiếp, hoặc cho thuê, hoặc đóng cửa để đấy chờ (hoặc đề nghị) "hóa giá" biến của công thành của tư đúng quy định và quy trình.

Câu chuyện này từng có tiền lệ, vài năm trước, hơn chục vị cựu lãnh đạo ở Hà Nội cũng không tự giác trả nhà công vụ, cực chẳng đã, Bộ Xây dựng phải công khai danh tính các vị này. Và, hầu như ngay lập tức, các vị này đã "tự nguyện" trả lại nhà mà không cần phải giải thích vòng vo gì hoặc biện minh cho việc mình buộc phải "lưu cư" lâu dài ở nhà công vụ vì "có khó khăn về chỗ ở".

Tương tự, báo chí cũng từng công khai danh tính cùng lá đơn của một Thứ trưởng đã về hưu ở trong Nam mà vẫn giữ nhà công vụ tại Hà Nội xin được tiếp tục sử dụng nhà này. Tất nhiên, sau khi được công khai danh tính cùng ý định của mình thì vị Thứ trưởng đó tự nguyện từ bỏ ý định và nguyện vọng ban đầu của mình về căn nhà này.

Những vụ việc này cho thấy, công khai danh tính mang lại hiệu quả tức thời và có tác động tích cực đến việc giải quyết và xử lý những vụ việc mà người ta cho là "tế nhị" nhưng đúng ra là nể nang nhau nên không làm triệt để và để dây dưa kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Với những trường hợp "tế nhị" này (hoặc có thể nâng lên một mức cao hơn, nhằm che giấu sự thật thì được quy về cái là "lĩnh vực nhạy cảm") thì người ta thường dùng những từ phiếm chỉ nhiều hơn, ví dụ như "một bộ phận", "một số người", "vẫn còn có trường hợp"... như thế, chỉ là "bắn chỉ thiên" và không làm ai sợ.

Dư luận đã nhiều phen lên tiếng đòi hỏi phải công khai danh tính của những người mua dâm nhằm lấy lại công bằng cho những người bán dâm, bởi, "địa vị pháp lý" của bên mua cũng như bên bán ngang bằng nhau, tại sao chỉ bên bán là được đưa hình ảnh lên các phương tiện truyền thông, thậm chí cả tên tuổi, danh hiệu, nghề nghiệp, còn bên mua lại không? Tương tự, trong nhiều vụ án, chỉ thấy có người đưa hối lộ còn danh tính của người nhận hối lộ thì rất mịt mờ và được giải thích rằng "không có cơ sở để xác định" rằng ai đó đã nhận hối lộ mà chỉ có lại khai từ một phía.

Đã có hành vi vi phạm pháp luật hoặc các điều cấm theo quy định của cơ quan, đoàn thể hoặc đạo đức nghề nghiệp thì đâu cần phải giữ sự "tế nhị" không công khai danh tính để cho các vụ việc đó cứ tiếp diễn, ngày nhiều hơn, chẳng đếm xỉa gì đến danh dự cần phải có và lòng tự trọng cần phải giữ.

NHỊ NGỌC

Bản lĩnh quan chức trước tòa

Lê Minh Hoàng