1. Ưu điểm của công ty cổ phần
Công ty cổ phần là một trong những định chế quan trọng nhất trong thời đại kinh doanh toàn cầu[1]. Công ty cổ phần là một loại hình công ty hội tụ nhiều ưu điểm trong nền kinh tế thị trường[2]. Bởi lẽ, công ty cổ phần là nơi tập trung tư bản và có khả năng sử dụng, điều tiết, luân chuyển nguồn vốn rất linh hoạt. Hơn nữa, “tính hoàn thiện về vốn, trình độ tổ chức và hoạt động mang tính xã hội hóa cao, khả năng phát triển và mở rộng các quan hệ liên kết tư bản…”[3] là các ưu điểm rất lớn của công ty cổ phần. Vì vậy, pháp luật công ty ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đều điều chỉnh loại hình công ty này. Nói cách khác, công ty cổ phần được xác định là sự lựa chọn tối ưu cho các mô hình kinh doanh với quy mô lớn hay thậm chí rất lớn và luôn có nhu cầu huy động vốn rộng rãi. Chính vì vậy, tại Việt Nam hiện nay, cùng với các loại hình của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần luôn chiếm được sự lựa chọn của các nhà kinh doanh trong thời gian khá dài[4].
Theo quy định của Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật Doanh nghiệp), công ty cổ phần có những đặc điểm pháp lý cơ bản sau: vốn điều lệ của công ty luôn được chia thành nhiều phần bằng nhau; cổ đông của công ty có thể là cá nhân hoặc pháp nhân nhưng luôn phải có tối thiểu ba cổ đông và pháp luật không khống chế số lượng cổ đông tối đa; cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp (cổ phần) của họ và có quyền chuyển nhượng phần vốn góp đó khá đơn giản, dễ dàng; công ty có tư cách pháp nhân và có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn… Các đặc điểm này cho thấy, công ty cổ phần có các ưu điểm sau:
Thứ nhất, công ty cổ phần bảo đảm hạn chế rủi ro tài chính cho cổ đông.
Công ty cổ phần là công ty mang bản chất của loại hình công ty đối vốn[5]. Nên thuận lợi rất lớn đối với cổ đông đó là được hưởng chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn về mặt tài sản khi tham gia góp vốn vào công ty cổ phần. Nói cách khác, tương tự như công ty trách nhiệm hữu hạn[6], bức tường trách nhiệm hữu hạn là sự đảm bảo an toàn và vững chắc cho các cổ đông khi nghĩa vụ về tài sản của cổ đông luôn được giới hạn chỉ trong phạm vi số vốn góp của họ. Nhờ vậy, khác với công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần có sự tách bạch rõ ràng tài sản công ty cũng như tài sản riêng của các cổ đông. Vì thế, các cổ đông và công ty có thể yên tâm, mạnh dạn để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mà có thể chứa đựng sự rủi ro cao như các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... Đây là lợi thế rất lớn để công ty cổ phần có thể phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ khả năng hưởng trách nhiệm hữu hạn về tài sản nên đã “làm cho các nhà kinh doanh mạnh dạn đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào có mang lại lợi ích cho xã hội”[7].
Thứ hai, công ty cổ phần có khả năng mở rộng phạm vi kinh doanh và dễ dàng thu hút nguồn vốn.
Gắn liền với tính chịu trách nhiệm hữu hạn là khả năng chuyển nhượng tự do của cổ phần[8]; vì vậy, công ty cổ phần là loại hình công ty có cấu trúc “vốn mở”. Điều này làm cho công ty cổ phần có cấu trúc vốn và tài chính linh hoạt[9] và luôn “có khả năng mở rộng quy mô vốn thông qua thị trường chứng khoán”[10]. Vì thế, giữa “công ty cổ phần và thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với nhau”[11]. Có thể nói, việc phát hành cổ phiếu là một đặc điểm riêng biệt của công ty cổ phần trong việc huy động vốn mà không có bất kỳ loại hình công ty nào khác có được. Đặc điểm này làm cho công ty cổ phần trở thành loại hình công ty rất thích hợp để kinh doanh lớn và luôn dễ dàng thu hút nguồn vốn huy động từ bên ngoài qua việc phát hành cổ phiếu. Bên cạnh đó, ngoài việc phát hành cổ phiếu, pháp luật còn cho phép công ty cổ phần có thể phát hành thêm trái phiếu khi cần huy động vốn.
Thứ ba, khả năng chuyển nhượng vốn thuận lợi.
Là công ty đối vốn, nên công ty cổ phần không đề cao sự quen biết hay thân thiết giữa các cổ đông mà chỉ quan tâm tới yếu tố “vốn góp” của cổ đông. Do đó, điều kiện để có thể trở thành cổ đông của công ty cổ phần khá thuận lợi. Về nguyên tắc, chỉ cần mua ít nhất một cổ phần thì nhà đầu tư đã trở thành cổ đông của công ty cổ phần. Sự tiện lợi trong việc thu hút, mời gọi nhà đầu tư tham gia còn thể hiện khi pháp luật cho phép “cả các cán bộ, công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần”[12]. Đối với nhà đầu tư, khi cần thiết, họ có thể dễ dàng chuyển nhượng “cổ phần” cho người khác thông qua việc mua, bán trên thị trường chứng khoán. Nhìn chung, pháp luật chỉ đưa ra một số trường hợp hạn chế khi chuyển nhượng cổ phần[13], còn lại, việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần được thực hiện khá thuận lợi và dễ dàng.
2. Hạn chế của công ty cổ phần
Thứ nhất, sự đảm bảo an toàn pháp lý của công ty cổ phần đối với chủ nợ và khách hàng thấp.
Mặc dù “trách nhiệm hữu hạn” mang lại sự an toàn và bảo vệ rất tốt cho các cổ đông nhưng lại làm giảm sự đảm bảo an toàn pháp lý của công ty cổ phần đối với khách hàng hoặc các chủ nợ khi giao dịch với công ty này. Friedrich Kubler và Jurgen Simon từng giải thích: “chế độ trách nhiệm hữu hạn đồng nghĩa mối nguy hiểm dành cho các chủ nợ một khi công ty bị phá sản”[14]. Nếu so sánh công ty cổ phần với các loại hình của công ty đối nhân, khi các thành viên của công ty đối nhân phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn về tài sản thì chính các chủ nợ, khách hàng khi giao dịch sẽ luôn nhận được sự đảm bảo tốt nhất về tài chính mà công ty đối nhân và các thành viên của công ty có được. Ngược lại, với “các công ty có tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản thì khi xảy ra tổn thất, khách hàng chỉ được đảm bảo trong phạm vi số tài sản của công ty”[15]. Vì thế, chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản của công ty cổ phần lại mang đến sự rủi ro, bất lợi về mặt tài chính cho các khách hàng và chủ nợ; và trong một số trường hợp, công ty cổ phần đã lợi dụng để kinh doanh nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho khách hàng.
Thứ hai, dễ phát sinh mâu thuẫn giữa các cổ đông hoặc các nhóm cổ đông với nhau và việc quản lý cổ đông thường khó khăn, phức tạp.
Bản chất của công ty đối vốn, về lý thuyết coi nhẹ vấn đề nhân thân cho thấy rằng ai cũng có thể trở thành cổ đông công ty cổ phần sau mua cổ phần mà không cần có sự đồng ý của các cổ đông trong công ty[16]. Khác với công ty hợp danh, các cổ đông của công ty cổ phần thường không có sự quen biết, tin tưởng và ngoài ra, đại đa số không có kiến thức về kinh doanh[17]. Điều này dễ dẫn đến tình trạng, công ty cổ phần có quy mô lớn thì lợi ích của các cổ đông thường không đồng nhất và dễ gây ra sự mâu thuẫn, chia rẽ hoặc thậm chí các cổ đông lớn thường lợi dụng quyền lực, ảnh hưởng hay sự chi phối của họ để chèn ép các cổ đông thiểu số. Do vậy, những cổ đông này rất dễ bị thiểu số những người nắm quyền lãnh đạo và điều hành công ty lợi dụng bóc lột, thậm chí lừa đảo[18]. Nhiều trường hợp, trong công ty cổ phần tồn tại sự mâu thuẫn, đối kháng quyết liệt giữa các cổ đông hoặc các nhóm cổ đông với nhau và điều này làm cản trở hoạt động của công ty. Trên thực tế, các công ty cổ phần của Việt Nam hiện nay đang phát triển theo xu hướng của Hoa Kỳ[19]. Tức là, quyền lực của các công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người quản lý điều hành công ty (managers)[20]. Hơn nữa, do số lượng cổ đông thường khá lớn nên rất khó khăn để kiểm soát các cổ đông và không ít trường hợp, công ty cổ phần tồn tại cả các cổ đông “ảo” hay “cổ đông danh nghĩa”[21], nên đến khi cần triệu tập, thông báo về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty cho các cổ đông thường rất phức tạp và khó khăn.
Thứ ba, phải chịu nhiều loại thuế hơn các công ty đối nhân.
Nghiên cứu cho thấy, lợi thế rất lớn đối với các loại hình công ty đối nhân như công ty hợp danh chính là pháp luật không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với bản thân công ty này. Hiện nay, “nhiều nước không áp dụng thuế thu nhập công ty cho mô hình hợp danh. Nếu chọn hợp danh, nhà đầu tư có thể chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân mà tránh bị đánh thuế hai lần”[22]. Nhưng đối với công ty cổ phần, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam, cổ đông và bản thân công ty cổ phần đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp[23]. Hay nói cách khác, “công ty cổ phần phải chịu thuế hai lần nghĩa là bản thân công ty phải đóng thuế và các cổ đông cũng phải chịu thuế thêm một lần nữa”[24]. Các “cổ đông còn phải chịu thuế thu nhập bổ sung từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần”[25]. Vì thế, nếu chỉ xét về phương diện chịu thuế thì đây cũng là một hạn chế của công ty cổ phần.
Thứ tư, khả năng bảo mật thông tin kinh doanh, tài chính thấp.
So với các loại hình công ty có trong Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần là công ty có nghĩa vụ phải cung cấp nhiều loại thông tin nhất. Trong đó, việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh hay các nguồn thu, chi tài chính là nghĩa vụ bắt buộc của công ty cổ phần. Tuy nhiên, do số lượng cổ đông khá lớn nên vấn đề bảo mật thông tin sẽ rất phức tạp và khó khăn. Ngoài ra, đến khi niêm yết trên thị trường chứng khoán thì công ty cổ phần lại còn phải có nghĩa vụ cung cấp thêm các loại báo cáo tài chính đã được kiểm toán chặt chẽ. Nếu xét dưới góc độ kinh doanh thì đã làm lộ các bí mật kinh doanh và năng lực tài chính của công ty để cho các đối thủ cạnh tranh có thể nắm bắt hoặc khai thác.
3. Sự phù hợp giữa công ty cổ phần với môi trường thương mại Việt Nam hiện nay
Không thể phủ nhận tầm quan trọng, vai trò và ảnh hưởng của công ty cổ phần đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Thực tiễn cho thấy, công ty cổ phần đã trở thành mô hình kinh doanh phổ biến nhất cho các doanh nghiệp quy mô lớn[26]. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp kinh doanh với quy mô rất lớn thì luôn cần phải huy động nguồn vốn rộng rãi nên công ty cổ phần là loại hình công ty lý tưởng nhất. Hơn nữa, thông qua thị trường chứng khoán, công ty cổ phần có thể quảng bá rộng rãi và tốt hơn về hình ảnh của công ty đến với công chúng. Do vậy, trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng tại Việt Nam hiện nay, sự tồn tại của công ty cổ phần là phù hợp.
Tuy nhiên, cũng vì quy mô hoạt động của công ty cổ phần rất lớn, nên, công ty này dường như lại không phù hợp với các nhà đầu tư còn non kinh nghiệm hay không có nhu cầu kinh doanh quá lớn hoặc thường xuyên phải huy động vốn. Hơn nữa, với đặc thù riêng, người Việt Nam thường coi trọng sự thân quen, tin tưởng khi tiến hành sản xuất, kinh doanh. Trước đây, đã có nghiên cứu chỉ rõ: “phù hợp với truyền thống của người Việt Nam là quan hệ họ hàng bền chặt. Với tư tưởng, một giọt máu đào hơn ao nước lã, những người họ hàng với nhau họ tin tưởng vào nhau hơn. Đặc biệt là trong điều kiện có ít vốn, họ chỉ muốn liên kết lại với nhau để kinh doanh chung, lấy công ty làm lãi là chủ yếu, do đó rất thích hợp với loại hình công ty đối nhân”[27].
Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng, “cơ sở để một loại hình doanh nghiệp có thể phát triển tốt tại Việt Nam thì loại hình doanh nghiệp đó phải thỏa mãn các điều kiện sau (i) quy mô của doanh nghiệp không quá lớn nhưng lại có thể dễ dàng mở rộng quy mô trong dài hạn; (ii) giữa các thành viên của doanh nghiệp phải luôn tồn tại sự tin tưởng lẫn nhau; (iii) doanh nghiệp phải đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý trước pháp luật, tạo niềm tin cho các khách hàng và cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành không quá phức tạp”[28]. Vì vậy, đối với công ty cổ phần, khi hầu hết các cổ đông thường không hiểu biết về nhau thì sẽ khó khăn cho những người vốn đã có tư tưởng kinh doanh thận trọng và lại luôn đề cao sự tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau.
Bên cạnh đó, nhiều phân tích chỉ rõ mô trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự chín muồi cho sự ra đời của những công ty lớn[29]. Các công ty tư nhân Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn huy động vốn trong khu vực kinh tế gia đình, chúng chưa có dáng dấp của các công ty đối vốn thật sự[30]; các doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển nhanh nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ[31]. Do vậy, nếu các nhà đầu tư chỉ có nhu cầu thành lập công ty với quy mô vừa hoặc nhỏ và đồng thời luôn mong muốn giữa họ phải có mối quan hệ thân thiết, tin cậy thì công ty cổ phần lại càng không phù hợp.
4. Một số kiến nghị
Tác giả cho rằng, để công ty cổ phần có thể phát triển mạnh mẽ và phù hợp với môi trường thương mại tại Việt Nam thì cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm loại hình công ty cổ phần một cổ đông.
Từ thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, khá nhiều nhà đầu tư có nhu cầu thành lập công ty cổ phần nhưng chỉ vì quy định phải đáp ứng đủ số lượng cổ đông tối thiểu (ba cổ đông) nên không thành lập được. Cũng có thể để đối phó với quy định ba cổ đông tối thiểu, các nhà đầu tư phải tìm cách nhờ vả những người thân để đứng tên cho đủ số lượng cổ đông tối thiểu theo quy định. Trong các trường hợp này, thực chất, công ty cổ phần đó chỉ hoạt động với một cổ đông duy nhất, vì các cổ đông “ảo”, cô đông “ma” hay cổ đông “danh nghĩa” đó không có đóng góp gì trong công ty. Thậm chí, còn làm khó khăn, rắc rối, phức tạp cho chính công ty cổ phần vì về nguyên tắc, những quyết định quan trọng của công ty đều phải được bàn thảo và quyết định bởi tập thể cổ đông. Khác với Việt Nam, Cộng hòa Liên bang Đức hiện đang quy định loại hình công ty cổ phần một thành viên (Konzern) và công ty này mang lại sự thuận lợi rất lớn cho người chủ của nó[32]. Trên thực tế, tại Việt Nam, cũng từng có ý kiến cho rằng, pháp luật nên cho phép thành lập công ty cổ phần một cổ đông[33]. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng bổ sung quy định về công ty cổ phần một cổ đông.
Thứ hai, hạn chế một số lĩnh vực kinh doanh của công ty cổ phần.
Tác giả cho rằng, các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh như: y tế (mở phòng khám chữa bệnh tư nhân, cửa hàng bán thuốc, các vật tư ngành y tế…), nhóm tư vấn thiết kế (xây dựng, kiến trúc, thi công…), hay kiểm toán, dược phẩm, hóa chất, các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực pháp lý… là những ngành, nghề không nên cho phép đăng ký thành lập, hoạt động dưới hình thức của công ty cổ phần. Bởi lẽ, đây đều là những ngành, nghề gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nếu doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trên thiếu tinh thần trách nhiệm hay chủ quan, liều lĩnh, tắc trách sẽ dẫn đến những hậu quả rất lớn mà khó có thể sửa chữa, khắc phục. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải bị ràng buộc trách nhiệm vô hạn về tài sản. Có ý kiến cho rằng, nếu để các lĩnh vực này được phép kinh doanh dưới hình thức công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ mang lại sự chủ quan, thiếu trách nhiệm vì những người chủ kinh doanh được xác định sẽ chỉ phải chịu những hậu quả trong phạm vi số vốn giới hạn của họ[34]. Trong trường hợp này, “tính chịu trách nhiệm hữu hạn đã trở thành bức tường che chắn cho thành viên trước yêu cầu đòi nợ của các bạn hàng làm ăn với công ty… Bức tường trách nhiệm hữu hạn giới hạn được rủi ro cho người kinh doanh, vì lẽ ấy, nó cũng có thể đẩy một phần rủi ro sang cho khách hàng, người làm công và các chủ nợ khác của công ty[35].
Chúng tôi cho rằng, cần quy định việc kinh doanh các lĩnh vực trên sẽ chỉ thuộc về các loại hình công ty có tính chất chịu trách nhiệm vô hạn như công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Chỉ đối với các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người và an toàn xã hội, hay nói cách khác, không cần yêu cầu chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn thì mới cho phép thành lập dưới hình thức của công ty cổ phần. Thời gian trước đây, pháp luật đã từng có quy định, khi kinh doanh các dịch vụ pháp lý thì bắt buộc phải kinh doanh dưới hình thức là các văn phòng luật hoặc phải thành lập theo mô hình công ty luật hợp danh và mô hình này được tổ chức gần như theo mô hình công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp[36]. Hoặc quy định hiện nay đối với Văn phòng Thừa phát lại, nếu do một Thừa phát lại thành lập thì phải được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, còn nếu do hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì sẽ tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh[37]. Hay đối với văn phòng công chứng cũng được tổ chức và hoạt động theo mô hình của công ty hợp danh[38]. Điều này cho thấy, pháp luật ngày càng quan tâm đến vấn đề định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh theo đặc thù riêng của từng loại hình công ty.
Việc quy định cụ thể các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh dưới hình thức công ty cổ phần không làm hạn chế hay giảm bớt quyền tự do, sáng tạo trong kinh doanh. Bởi lẽ, chỉ với mục đích định hướng các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh đi theo đúng trật tự, hoạt động an toàn, hiệu quả và để phù hợp với thế mạnh của loại hình công ty cổ phần./.
[1] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb. Công an nhân dân, tr. 244. [2] Nguyễn Thị Thu Hương (2011), Bàn thêm về chế định vốn của công ty cổ phần, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 7, tr.37. [3] Friedrich Kubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Pháp lý, tr.45. [4] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Thông tin tình hình đăng ký doanh nghiệp, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/NewsandUpdates/tabid/91/CategoryID/25/language/vi-VN/Default.aspx, truy cập ngày 21/10/2020, lúc 16:00PM. [5] Bùi Ngọc Cường (2010), Giáo trình Luật Thương mại tập 1, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr. 55. [6] Nguyễn Vinh Hưng (2016), Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong môi trường kinh doanh hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16, tr. 41. [7] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 38 - 39. [8] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 169. [9] Nguyễn Thanh Bình (2003), Những lợi thế của công ty cổ phần trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1. [10] Nguyễn Thị Lan Hương (2009), Một số so sánh về công ty cổ phần theo Luật công ty Nhật Bản và Luật doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 25, tr. 88. [11] Lê Thu Thủy (chủ biên), Giáo trình pháp luật về thị trường chứng khoán, Khoa Luật , Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015, tr. 31. [12] Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật Kinh doanh, Nxb, Thống kê, tr. 197. [13] Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020. [14] Friedrich Kubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 45. [15] Nguyễn Vinh Hưng (2016), Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong môi trường kinh doanh hiện nay, sđd, tr. 42. [16] Maurice Cozian và Alian Viandier (1988), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec”, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, 1990, tr. 70. [17] Friedrich Kubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 45. [18] Friedrich Kubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 45. [19] Nguyễn Vinh Hưng (2019), Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24, tr. 26 - 27. [20] Friedrich Fubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 50. [21] Hoàng Anh Tuấn (2009), Công ty cổ phần một cổ đông, https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-doanh-nghiep/cong-ty-co-phan-mot-co-dong.aspx , truy cập ngày 02/10/2020. [22] Phạm Duy Nghĩa (2006), Giấc mơ nửa triệu doanh nghiệp và một đạo luật chung: Luật Doanh nghiệp năm 2005 từ một góc nhìn so sánh với Luật Công ty 2005 của CHND Trung Hoa, http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/09/10/..., truy cập ngày 02/10/2020. [23] Điểm a, khoản 1, Điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009 (đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014); và khoản 1, Điều 2 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2009 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014). [24] Friedrich Kubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 30. [25] Nguyễn Vinh Hưng (2013), Công ty hợp vốn đơn giản trong các loại hình công ty so sánh và kiến nghị, Tạp chí Nghề Luật, sđd, tr. 63. [26] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 161. [27] Nguyễn Thị Khế, Bùi Thị Khuyên, Luật kinh doanh, Nxb. Thống kê, 1999, tr. 195. [28] Nguyễn Vinh Hưng (2015), Cần xây dựng loại hình doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, sđd, tr. 33. [29] Phạm Duy Nghĩa, Luật về mua bán doanh nghiệp: bình luận ngắn từ góc nhìn quản trị công ty, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10 (171) tháng 5/2010, tr. 47. [30] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 49. [31] Tổng cục Thống kê, Doanh nghiệp Việt Nam 9 năm đầu thế kỷ 21, Nxb. Thống kê, tr. 15. [32] Friedrich Fubler, Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 44. [33] Hoàng Anh Tuấn (2009), Công ty cổ phần một cổ đông, tlđd, truy cập ngày 05/10/2020. [34] Nguyễn Vinh Hưng (2016), Hoàn thiện chế định pháp luật về công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 88/2016, tr. 103 - 104. [35] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, sđd, tr. 202 - 204. [36] Điều 17 và Điều 19, Pháp lệnh Luật sư năm 2001. [37] Khoản 4, Điều 1, Quyết định 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. [38] Điều 22, Luật Công chứng năm 2014. |
TS. NGUYỄN VINH HƯNG
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)