Ảnh minh họa.
Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Đinh Thị Hoàng Nhung, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết:
Về việc ký hợp đồng lao động
Theo Điều 13, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trường hợp vào năm 2018 bạn đi làm cho Công ty A. đến năm 2021 không được ký hợp đồng lao động là trái với quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, Điều 9, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì bị phạt từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người lao động và buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định.
Về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải không có lý do
Theo Điều 125, Bộ luật Lao động 2019 thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải trong các trường hợp người lao động có những hành vi vi phạm kỷ luật lao động nghiêm trọng như: Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, tiết lộ bí mật kinh doanh…
Tại Điều 127, Bộ luật Lao động 2019 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động là xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Khi bị sa thải không có lý do theo quy định tại Điều 41, Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Về khiếu nại lao động
Theo quy định hiện hành về khiếu nại lao động của người lao động, khi nhận thấy một quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyển, lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại quyết định hoặc hành vi về lao động của người sử dụng lao động đến chính người sử dụng lao động đó (trong trường hợp khiếu nại lần 1) và đến Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính (trong trường hợp khiếu nại lần 2) theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn vệ sinh lao động.
TRẦN QUÝ