Thách thức trong bối cảnh mới
Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại những thay đổi toàn diện trong cách thức vận hành và cung cấp dịch vụ pháp lý. Những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) không chỉ giúp tối ưu hoá quy trình làm việc, mà còn mở ra những cơ hội cung cấp dịch vụ mới. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ này đặt ra không ít thách thức cho các công ty luật Việt Nam. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh chung của đất nước khi thời gian hình thành và phát triển nghề luật của Việt Nam chưa đủ dài, các công ty luật quy mô lớn trong nước cũng chỉ có khoảng 25 đến 30 năm để hình thành và phát triển. Quả thật ngành luật của Việt Nam thực sự nhỏ bé khi so sánh với ngành luật của những nước phát triển với lịch sử vài trăm năm.

Ảnh minh hoạ.
Tự động hóa công việc ngành luật nhờ công nghệ
Các công ty luật Việt Nam khi soi mình dưới sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, có thể nhìn thấy những thách thức một cách khá rõ ràng. Thứ nhất, đó là các công việc pháp lý đã bắt đầu tự động hoá. Với sự hỗ trợ của AI, những nhiệm vụ như soạn thảo hợp đồng, nghiên cứu án lệ, bản án và quản lý tài liệu đang được tự động hoá. Các luật sư truyền thống đối mặt nguy cơ mất việc hoặc giảm giá trị lao động. Điều này yêu cầu học hỏi liên tục và chuyên môn hoá trong các lĩnh vực tư vấn cao cấp như xử lý tranh chấp phức tạp hoặc tư vấn chiến lược. Hiện nay, các công ty luật trên thế giới đang thay đổi căn bản cách thức làm việc trong các công ty luật, đặc biệt trong những tác vụ truyền thống như soạn thảo hợp đồng, các phần mềm như Contract Express (Thomson Reuter) và LawGeex (nền tảng ứng dụng AI để soạn hợp đồng) có thể tự động hoá quá trình soạn thảo hợp đồng bằng cách phân tích những biểu mẫu có sẵn, giảm thiểu lỗi sai sót và tiết kiệm thời gian cho luật sư. Ngoài soạn thảo hợp đồng, công nghệ AI có thể giúp nghiên cứu văn bản pháp lý, quản lý các tài liệu. Nổi bật hiện nay là ROSS Intelligence hoặc Casetext giúp luật sư tìm kiếm nhanh chóng các án lệ và quy định liên quan từ hàng triệu dữ liệu hay iManage và NetDocuments cho phép tự động hoá lưu trữ, truy xuất và bảo mật tài liệu mà trước đó các công ty luật mất rất nhiều thời gian để giải quyết.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, trí tuệ nhân tạo cũng đem lại những nguy cơ ngay trước mắt đối với các nhân sự ngành luật. Có thể nói, chỉ một vài năm ngắn ngủi nữa, các ứng dụng AI có thể thay thế một số lao động trong ngành luật đảm nhiệm các công việc lặp đi, lặp lại và thiếu sự sáng tạo như các thư ký luật và thậm chí là luật sư đảm nhiệm các nhiệm vụ như nghiên cứu, soạn thảo văn bản, tìm kiếm tập hợp án lệ, bản án. Việc này cũng dẫn đến kết quả là các công ty luật có thể cần ít nhân sự hơn cho các tác vụ đơn giản, khiến những người không có kỹ năng cao hoặc không chuyển đổi kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì việc làm. Thực tế cho thấy, các công ty luật hàng đầu thế giới hiện nay như Clifford Chance hay Baker McKenzie đã sử dụng AI để phân tích hợp đồng hay áp dụng công nghệ số để quản lý tài liệu pháp lý trên nền tảng trực tuyến, giúp giảm thời gian tìm kiếm tài liệu, phân tích hợp đồng rất đáng kể khi so sánh với các phương pháp truyền thống trước đây.
Cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty luật hàng đầu thế giới
Sự gia tăng hiện diện của các công ty luật quốc tế tại Việt Nam như Allen & Overy, Baker McKenzie hay Linklaters không chỉ mang đến những dịch vụ pháp lý chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm trong môi trường pháp lý quốc tế với những giao dịch xuyên biên giới phức tạp đã đặt ra những thách thức to lớn đối với các công ty luật trong nước trong việc phát triển tiệm cận và bắt kịp các công ty này. Các công ty luật quốc tế thường có ưu thế vượt trội về nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp với kinh nghiệm quốc tế, và khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại. Điều này tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa các công ty trong nước và quốc tế trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, là từ năng lực cung cấp dịch vụ, các công ty luật quốc tế cung cấp dịch vụ đa dạng, từ tư vấn pháp lý doanh nghiệp, giao dịch M&A phức tạp, đến giải quyết tranh chấp quốc tế. Họ thường được lựa chọn bởi các khách hàng lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam.
Thứ hai, đội ngũ nhân sự của các công ty luật này rất chất lượng và được tuyển lựa kỹ càng. Đội ngũ luật sư của các công ty quốc tế thường được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng và có kinh nghiệm làm việc trong môi trường pháp lý quốc tế. Điều này giúp họ xử lý các vấn đề pháp lý phức tạp với sự chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Thứ ba, các công ty luật quốc tế thường có các thương hiệu uy tín lâu năm, các thương hiệu mạnh và danh tiếng toàn cầu là lợi thế lớn của các công ty luật quốc tế. Họ không chỉ thu hút được các khách hàng lớn mà còn dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng nhân tài chất lượng cao từ thị trường Việt Nam.
Cuối cùng, là sự vượt trội về ứng dụng công nghệ. Các công ty luật quốc tế đầu tư mạnh vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, blockchain để minh bạch hóa giao dịch, và các nền tảng kỹ thuật số để tối ưu hóa quy trình. Điều này giúp họ cung cấp dịch vụ nhanh hơn, chính xác hơn và ít tốn kém hơn.
Giải pháp để các công ty luật Việt Nam thích ứng và phát triển
Không còn bất kỳ giải pháp nào khác để các công ty luật Việt Nam đi nhanh và đi xa hơn trong bối cảnh hiện nay ngoài việc đầu tư vào chuyển đổi số. Xu hướng của thế giới này đang ngày càng tác động mạnh mẽ tới thị trường pháp lý Việt Nam đòi hỏi các công ty luật Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào công nghệ. Cụ thể đó là (i) áp dụng các phần mềm quản lý tài liệu tự động; (ii) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hợp đồng và hỗ trợ nghiên cứu các bản án cũng như án lệ tại Việt Nam; (iii) phát triển hệ thống dịch vụ trực tuyến nhằm tăng tính tiện lợi và giảm các chi phí cố định để từ đó nâng cao tính cạnh tranh của ngành luật Việt Nam so với thế giới.
Ngoài ra, trong một thị trường còn nhiều tiềm năng và non trẻ như Việt Nam, buộc các công ty luật, các luật sư không ngừng tăng cường năng lực chuyên môn và hiểu biết pháp lý cũng như hiểu biết về các lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các công ty luật quốc tế hàng đầu trên thế giới sẽ không chỉ giúp nâng cao thương hiệu, mà còn giúp các công ty luật Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm lâu năm và đa dạng từ các chuyên gia, luật sư, công ty luật hàng đầu thế giới, từ đó rút ngắn khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa Việt Nam và thế giới. Thông qua đào tạo và hợp tác quốc tế, các luật sư Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường pháp lý quốc tế yêu cầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ khách hàng lâu dài, cung cấp dịch vụ chất lượng, hiệu quả và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng là cách để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Tầm nhìn mới để bước ra thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự chuyển đổi số mạnh mẽ, các công ty luật Việt Nam cần định hình một tầm nhìn chiến lược rõ ràng từ việc trở thành đối tác pháp lý đáng tin cậy không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các tập đoàn trên trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình làm việc và nâng cao giá trị dịch vụ nhằm tạo dựng thương hiệu mạnh dựa trên uy tín, chất lượng và sự chuyên nghiệp. Đây có thể xem là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này để các công ty luật Việt Nam từng bước bước ra khỏi ranh giới Việt Nam và tiến gần hơn tới các sân chơi khu vực và trên thế giới.
Có thể nói, các công ty luật Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn từ sự phát triển của công nghệ và cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực pháp lý. Tuy nhiên, thách thức cũng chính là cơ hội để đổi mới và bứt phá. Việc kết hợp giữa đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng hợp tác quốc tế là chìa khoá để các công ty luật trong nước không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC
Công ty Luật HM&P