/ Trợ giúp pháp lý
/ CSGT có quyền khởi tố vụ án hình sự không?

CSGT có quyền khởi tố vụ án hình sự không?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - CSGT có quyền được khởi tố vụ án hình sự không? Nếu có, thì pháp luật quy định thế nào về việc này? Bạn đọc K.K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, CSGT hoàn toàn có đủ thẩm quyền để khởi tố vụ án hình sự tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Cụ thể, căn cứ khoản 2, Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2015) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thì: “2. Trong Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 163 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự (2015) tại khoản 6 Điều 9 quy định thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan CSGT các cấp như sau: “6. Các cơ quan của Công an Nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có: Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam”.

Đồng thời quy định rõ, nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an Nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 38, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự (2015).

“1. Trong khi thi hành nhiệm vụ mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan CSĐT thì Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị của các cơ quan Cảnh sát quy định tại khoản 6 Điều 9 của Luật này quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Trường hợp người phạm tội trốn khỏi nơi giam, Giám thị Trại giam ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt người bỏ trốn.

2. Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động Điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc Điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động Điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Khi Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại Khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

3. Khi được phân công Điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc, Phó Trưởng phòng, Phó Giám thị có quyền áp dụng các biện pháp Điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình”.

Trường hợp nào CSGT được quyền khởi tố vụ án hình sự?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, lực lượng CSGT được quyền khởi tố vụ án hình sự khi thực hiện nhiệm vụ của mình nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và sau đó chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo quy định định khoản 2, Điều 164 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (2015).

CSGT TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án hình sự xe máy vượt sai quy định gây tai nạn

Sáng ngày 28/9, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP. Hồ Chí Minh) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, xảy ra tại chân cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội thuộc phường An Khánh (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 260 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hiện vụ án đã được VKSND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định chuyển vụ án tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Phòng PC08 đến Cơ quan CSĐT Công an TP. Thủ Đức để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Theo lời khai của những người liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 21h30 ngày 22/7/2021 tại chân cầu Sài Gòn, đường xa lộ Hà Nội thuộc phường An Khánh (TP. Thủ Đức), vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông L.M.T (sinh năm 1991, ngụ Phường 9, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) điều khiển xe môtô biển số 59T1-870.88 lưu thông qua cầu Sài Gòn theo hướng từ quận Bình Thạnh về TP. Thủ Đức.

Khi đến địa điểm chân cầu Sài Gòn xa lộ Hà Nội thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức thì ông Thái thực hiện thao tác vượt xe môtô biển số 54X6-4385 do bà Lương Thị Thanh Thảo (sinh năm 1983, ngụ phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức) điều khiển đang lưu thông phía trước cùng chiều, dẫn đến va đụng vào phần phía sau xe môtô 54X6-4385. Vụ tai nạn làm cho bà Lương Thị Thanh Thảo bị ngã xuống đường, bất tỉnh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhân dân Gia Định và hai phương tiện bị hư hỏng.

Kết luận giám định pháp y về thương tích của Phân viện Kỹ thuật hình sự - Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh xác định: Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra tại thời điểm giám định của bà L.T.T.T là 65%.

Qua quá trình điều tra, cho thấy nguyên nhân gây ra vụ tai nạn giao thông là do ông Lâm Minh Thái điều khiển xe môtô biển số 59T1-870.88 vượt xe khi xe phía trước chưa tránh về bên phải, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ.

VÕ QUẾ

Thời hạn giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm là bao lâu?

Lê Minh Hoàng