/ Pháp luật - Đời sống
/ CSGT dùng vũ lực gây thương tích cho người vi phạm có bị xử lý hình sự?

CSGT dùng vũ lực gây thương tích cho người vi phạm có bị xử lý hình sự?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc Cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu hai thiếu niên lái xe phân khối lớn dừng xe để kiểm tra là tuân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu hai thiếu niên này không tuân thủ hiệu lệnh mà CSGT lại dùng vũ lực để trấn áp thì đây được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà các cán bộ, chiến sĩ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Hình ảnh thiếu niên bị đánh.

Như tin đã đưa, Công an tỉnh Sóc Trăng vừa chỉ đạo tạm đình chỉ 4 cán bộ chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu có liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh Công an đánh hai thiếu niên. Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 25/9. Khi đó, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT - Trật tự cơ động Công an thị xã Vĩnh Châu phát hiện 2 thiếu niên đi xe máy trên 100 phân khối nên ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, thiếu niên cầm lái tăng ga bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải mới dừng lại trước một nhà kho.

Camera an ninh tại khu vực này ghi lại cảnh một người mặc trang phục CSGT điều khiển xe đặc chủng chở một người mặc quân phục Công an chạy theo hai thiếu niên đi trên xe mô tô.  Khi vừa dừng xe, người mặc quân phục CSGT dùng tay đánh nam thiếu niên chạy xe. Đặc biệt, người mặc quân phục Công an cầm gậy đánh liên tục vào người nam thiếu niên, ghì thiếu niên xuống rồi đấm đá liên tục. Khi đó, người mặc đồ CSGT cũng đá, đánh thiếu niên nói trên.

Trước vụ việc nêu trên, nhiều người phải đặt ra câu hỏi CSGT dùng vũ lực gây thương tích cho người vi phạm có bị xử lý hình sự không?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, việc CSGT có hành vi dùng vũ lực đối với hai thiếu niên là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA đã quy định cụ thể về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát. Theo đó, CSGT được quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ để kiểm soát giấy tờ của người và phương tiện tham gia giao thông; lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông; tạm giữ giấy tờ, tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện; được quyền khám người, khám phương tiện; khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật… 

Theo quy định trên, việc CSGT yêu cầu hai thiếu niên lái xe phân khối lớn dừng xe để kiểm tra là tuân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu hai thiếu niên này không tuân thủ hiệu lệnh mà CSGT lại dùng vũ lực để trấn áp thì đây được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà các cán bộ, chiến sĩ trên có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Công an nhân dân năm 2018.

Cụ thể, hành vi đánh người của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội CSGT - Trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu đã vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Theo quy định của pháp luật, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Trong trường hợp nếu thương tích của nam thiếu niên được xác định từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn thì những người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Ngoài việc bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, các cán bộ, chiến sĩ CSGT trong vụ việc còn có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định trong ngành Công an nhân dân. 

Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ CSGT phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho hai nam sinh căn cứ theo Điều 584 và Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường bao gồm các khoản tiền chi tiêu cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi, những khoản thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại kiếm và phần thu nhập của người bỏ công sức, thời gian ra chăm sóc cho người bị thiệt hại...

Ngoài ra, người gây ra thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại sức khỏe. Mức bồi thường này thì được hai bên thỏa thuận với nhau. Trường hợp thỏa thuận không được thì mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng không quá năm mươi lần mức lương cơ sở.

PV

Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông?

Lê Minh Hoàng