/ Pháp luật - Đời sống
/ Cụ thể hóa chế tài xử lý đối với doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động

Cụ thể hóa chế tài xử lý đối với doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động

24/10/2024 14:38 |

(LSVN) - Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự.

Sáng 24/10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.

Dự thảo luật cũng sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT.

Đáng chú ý, lần sửa đổi này cũng quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, để giải quyết căn cơ quyền lợi của bệnh nhân BHYT, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 4 Điều 31 về cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại khoản 5 Điều 31.

Ủy ban Xã hội cũng cơ bản tán thành với quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Điều 32. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có cơ chế để giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua.

Về chậm đóng, trốn đóng BHYT, Ủy ban Xã hội thấy rằng việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm "chậm đóng BHYT", "trốn đóng BHYT" tại Điều 2 và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT là cần thiết. Cơ quan thẩm tra cho rằng cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi từ đối tượng chịu tác động; việc vận dụng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực BHYT.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự.

MINH ANH

Các tin khác