/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Cuộc chiến sách lậu - Tất cả do ý thức

Cuộc chiến sách lậu - Tất cả do ý thức

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Mặc dù hiện nay sách truyền thống vẫn tồn tại, nhưng thị hiếu của người đọc dần chuyển hướng sang loại sách gọn nhẹ hơn là sách điện tử. Đây là dòng sách đi cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin.

Sách điện tử, hay còn gọi là ebook đã có lúc phát triển rầm rộ khi mới ra đời, nhưng trong một hai năm gần đây, sách điện tử gặp phải không ít vấn đề làm chậm sự phát triển của chúng trong độc giả nước ta.

Ảnh minh họa.Nguồn: Internet.

Trào lưu mới tai hại

Tiện ích của sách điện tử thì ai cũng biết, đó là đăng ký và sử dụng dễ dàng. Chỉ cần đăng ký bằng tài khoản email là chúng ta đã dễ dàng sở hữu một cuốn sách “hot” trên thị trường bằng phiên bản điện tử. Không chỉ vậy, với phương thức nạp tiền bằng thẻ cào tiện dụng, độc giả có thể mua sách dễ dàng và chia sẻ những đoạn sách hay cho người thân hay bạn bè. Sách điện tử còn không hỏng, không cháy, không sợ mất mát.

Được bạn đọc đón nhận do các nhà xuất bản và công ty sách làm khá tốt công việc PR, do đó sách điện tử đã chiếm được cảm tình với độc giả trong cuộc cạnh tranh với sách giấy, một bộ phận độc giả của sách giấy, trong đó có nhiều độc giả trẻ đã chuyển hướng sang sách điện tử do chi phí thấp và tiện lợi. Tuy nhiên, cũng như băng đĩa, sách điện tử đang phải đối mặt với một kẻ thù không ai muốn gặp, đó là sách lậu.

Sách giấy lậu ở Việt Nam đã nhiều nhan nhản, từ lâu đã là lực cản đối với những nhà làm sách chính thống. Nhưng sách điện tử lậu thì quả là vấn đề nan giải. Khác với sách giấy lậu, sách điện tử lậu đơn giản hơn nhiều, chính vì vậy chúng được phát tán ngang nhiên, và đáng chú ý là... miễn phí.

Một bộ phận người đọc ngày nay có thú vui... cố gắng tìm sách lậu để đọc. Thay vì bỏ ra chỉ một, hai chục ngàn mua sách điện tử thì họ cố tìm cách chụp lại sách để chia sẻ trên mạng. Sách điện tử chưa ra, trên mạng đã xuất hiện tràn lan “sách ảnh”. Có cuốn vừa ra mắt được một ngày, trên forum hay facebook đã có hàng ngàn lượt xem và tải về.

Dễ thấy một điều, loại sách lậu này phát tán rất nhanh nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận. Người tải lẫn người chia sẻ đều vì một mục đích duy nhất là lợi ích cá nhân nho nhỏ của họ, dẫn đến tạo thành một nhóm cộng đồng cổ vũ sách lậu, gây thiệt hại không nhỏ đến nền xuất bản của chúng ta.

Trao đổi với các công ty sách, không phải họ không muốn xóa bỏ nạn sách lậu tự phát trên mạng, mà vì họ không thể làm nổi. Ước tính số lượng độc giả của nước ta lên đến vài chục triệu, nếu nạn sao chép tràn lan như hiện nay còn tiếp diễn thì có nguy cơ làm thụt lùi ngành xuất bản và bản quyền bị xâm hại nghiêm trọng. Đi kiện có thể là cách giải quyết đối với một vài trường hợp nhưng không phải là giải pháp lâu dài vì thủ tục kiện tụng tốn kém và mất nhiều thời gian, còn nhờ lực lượng an ninh cũng không nhiều, vì công việc quá bận rộn và vì… ngại.

Vẫn trông chờ vào ý thức

Để tìm ra một giải pháp thực sự chống lại nạn sách lậu và giải nguy cho sách điện tử là một nhiệm vụ khó khăn. Cho dù dùng nhiều biện pháp, nhưng các nhà xuất bản vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng sách lậu mà phải trông chờ vào sự tự giác của độc giả. Đáng buồn là việc phát tán sách lậu tự chế trên mạng ngày càng nhiều hơn vì công nghệ sản xuất loại sách lậu này rất đơn giản, ai cũng có thể làm được nếu có một chiếc máy tính nối mạng.

Muốn khắc phục tình trạng sách lậu lấn át sách chính thống hiện nay, cần có một chiến dịch nâng cao ý thức của độc giả một cách rộng rãi. Trước đây có một số phong trào tự phát đã triển khai từ các nhóm độc giả có trách nhiệm, nhưng đã nhanh chóng tắt ngóm do thiếu kinh phí và thực hiện không chuyên nghiệp. Muốn nâng cao ý thức của độc giả, không còn cách nào khác là phải dựa vào những vũ khí có sẵn trong xã hội: gia đình, nhà trường, hệ thống thư viện và các nhóm độc giả tiến bộ trên mạng.

Chúng ta cần liên kết sức mạnh, cần đoàn kết để độc giả trẻ tôn trọng bản quyền sách hơn. Không chỉ tuyên truyền trong các giờ ngoại khóa hay trong thư viện trường, các nhà xuất bản cần phải tích cực tổ chức các cuộc thi hay các phong trào trong các lứa tuổi để lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng bản quyền sách.

Các nhà xuất bản cũng cần chủ động hơn trong việc tấn công sách lậu bằng chất lượng, bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích thích hứng thú với sách chính thống trong độc giả trẻ. Cách cạnh tranh hiệu quả nhất để lấy lại vị thế cho sách chính thống là… giảm giá sách. Đối với ebook, thay bằng nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư đã bỏ ra thì trước mắt cần có giá cạnh tranh, thêm vào đó đầu tư chất lượng ebook cho tốt hơn hẳn sách lậu, khi đó sẽ chẳng ai quan tâm đến sách lậu nữa vì chỉ tốn hơn sách lậu vài ngàn đồng mà có được một bản ebook có bản quyền và đẹp hơn hẳn các loại ebook lậu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi tư tưởng cố gắng tìm kiếm những bản ebook lậu của cư dân mạng. Thay vì bỏ ra chỉ 10.000 đồng để mua một bản ebook bản quyền, họ sẵn sàng tìm kiếm hàng giờ, thậm chí mất cả một ngày chỉ để tìm kiếm ebook lậu. Đối với những người này, việc tìm được một bản sách lậu không hẳn vì vấn đề tiền bạc mà nó như một thú vui, là niềm đam mê lệch lạc, Chính vì vậy, cần thay đổi triệt để thói quen xấu này của một bộ phận độc giả nước ta, trong đó có một bộ phận độc giả trẻ.

Tình hình ngành xuất bản nước ta vẫn đang rất khó khăn, với lượng độc giả không tăng nhiều, lại bị cạnh tranh gay gắt của những dòng truyện ngoài luồng và với nạn sản xuất sách lậu. Tình trạng đó đòi hỏi các nhà xuất bản phải có những biện pháp quyết liệt để chiến đấu với sách lậu và kéo độc giả lại với sách chính thống có bản quyền. Họ cũng cần những quyết tâm về pháp lý để có chỗ dựa về mặt pháp luật, họ mong muốn không chỉ được bảo vệ bằng văn bản mà còn ở sự xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân sản xuất sách lậu, ebook lậu.

Và cuối cùng, những độc giả Việt Nam cần có ý thức hơn nữa để cứu chính nền sản xuất nước nhà, không để ngành xuất bản sụp đổ chỉ vì chính các độc giả quay lưng lại với công sức của các nhà xuất bản, chỉ vì tiết kiệm một chút tiền mà tiếp tay cho sách lậu phá hoại ngành xuất bản nước ta. Thế hệ độc giả trẻ mới của nước ta rất năng động, sáng tạo, ham học hỏi, tuy nhiên cần học hỏi những điều tốt và rất không nên sử dụng những kiến thức mình đã học được để phát tán sách lậu.

ĐINH THÀNH TRUNG

/can-cu-de-phuc-hoi-dieu-tra-vu-an-hinh-su.html