Ảnh minh họa.
Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đối với tội "Nhận hối lộ" thì cơ quan điều tra phải chứng minh hai vấn đề: Thứ nhất là phải chứng minh bị can đã nhận tiền, tài sản là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ; thứ hai là phải chứng minh việc nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất đó là có sự thỏa thuận để thực hiện hoặc không thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Tòa án chỉ có thể kết tội đối với bị can nếu như kết quả điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Với tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự thì hình phạt rất nghiêm khắc, hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình nếu như giá trị tài sản nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
Để khuyến khích hành vi đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm căn cứ đấu tranh với hành vi nhận hối lộ thì Bộ luật Hình sự có quy định: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi cơ quan chức năng phát hiện thì được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại toàn bộ tài sản đưa hối lộ.
Luật sư Cường phân tích thêm: "Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp khởi tố cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thì tài sản nhận hối lộ sẽ bị thu hồi để xung công quĩ nhà nước. Nếu tài sản này được chuyển hóa thành tài sản khác qua các giao dịch dân sự hoặc qua hoạt động kinh doanh để che giấu nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có thì người vi phạm còn bị xử lý thêm một tội nữa là tội "Rửa tiền".
Những người biết rõ hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ mà không ngăn cản, không tố giác tội phạm, ngược lại còn thực hiện hành vi giúp sức, xúi giục hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì những người này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Không tố giác tội phạm" hoặc bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức, xúi giục đối với tội "Đưa hối lộ", tội "Nhận hối lộ" theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án để giải quyết vụ án triệt để, công bằng, đúng pháp luật".
"Đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều bị can, đặc biệt là các bị can là người có chức vụ, có địa vị xã hội và việc thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi. Do đó, cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng, đúng pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay", Luật sư Cường nói.
TIẾN HƯNG
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam