(LSVN) - Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống các hình phạt của pháp luật Việt Nam. Đây là hình phạt tước đi quyền được sống của người phạm tội - quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Bài viết phân tích những bất cập trong quy định của của pháp luật về hình phạt tử hình, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật hình sự về hình phạt tử hình
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015). Có thể nói, đây là Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ và toàn diện nhất từ trước đến nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hình phạt tử hình được quy định tại Điều 40 như sau:
“1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.
Như vậy, về cơ bản nội dung của hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được giữ nguyên như quy định về hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tuy nhiên, có một số điểm sửa đổi, bổ sung như sau:
- Để góp phần bảo vệ quyền con người và thực hiện các cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ hình phạt ở nhiều tội danh như tội "Cướp tài sản" (Điều 168); tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" (Điều 193); tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" (Điều 249); tội "Chiếm đoạt trái phép chất ma tuý" (Điều 252); tội "Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" (Điều 303); tội "Chống mệnh lệnh" (Điều 394); tội "Đầu hàng địch" (Điều 399). Việc loại bỏ hình phạt tử hình ở các Điều luật này là cần thiết và phù hợp với phát triển, hội nhập của đất nước hiện nay.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ" mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Việc quy định như vậy là để đảm bảo quyền được sống của con người được ghi nhận trong Hiến pháp, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta về tội phạm hiện nay.
Một số bất cập của pháp luật hình sự về hình phạt tử hình
Thứ nhất, hình phạt tử hình đã được loại bỏ nhiều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 so với các Bộ luật Hình sự trước đây, tuy nhiên, hình phạt tử hình trong pháp luật vẫn còn nhiều so với các nước trên thế giới và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, trong phần các tội phạm thì hình phạt tử hình được quy định “… thì bị phạt tù từ … năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” dẫn đến việc các Tòa án áp dụng trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn và không thống nhất.
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hình phạt tử hình
Thứ nhất, để phù hợp với xu hướng phát triển thế giới và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì trong thời gian tới các nhà lập pháp cần nghiên cứu loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm mà không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình mà vẫn đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Thứ hai, hoàn thiện định nghĩa tử hình tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng làm rõ nghĩa hơn và chỉ rõ bản chất của hình phạt này là “tước đi quyền được sống của người bị kết án theo quy định của pháp luật”. Cụ thể, khoản 1 Điều 40 cần được sửa như sau:
“1. Tử hình là hình phạt đặc biệt, tước đi quyền được sống của người bị kết án theo quy định của pháp luật, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp việc áp dụng các hình phạt khác không đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia , xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.
Thứ ba, cần bổ sung quy định hoãn thi hành án hình phạt tử hình trong một khoảng thời gian nhất định.
Tại Điều 48 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định về hoãn thi hành hình phạt tử hình 02 năm khi xét thấy không cần thiết phải thi hành ngay lập tức. Sau khi hoãn thi hành án 02 năm thì các cơ quan tố tụng đánh giá về tình hình của người bị kết án để xử lý theo một trong ba trường hợp sau:
- Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án không cố ý phạm tội mới sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân;
- Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án lập công lớn sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống thành hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm;
- Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án cố tình phạm tội, được xác minh là đúng sự thật thì Tòa án ra phán quyết hoặc phê duyệt thi hành hình phạt tử hình.
Đây là một quy định hay mà Việt Nam có thể vận dụng nhằm đảm bảo thận trọng trong việc áp dụng hình phạt tử hình hạn chế đến mức tối thiểu những sai sót; đồng thời tạo điều kiện cho người bị kết án sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội để giảm hình phạt đặc biệt là tội phạm về tham nhũng nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.
LÊ VĂN THANH
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?