/ Luật sư trực ban
/ Hủy hoại tài liệu của cơ quan, tổ chức bị xử lý thế nào?

Hủy hoại tài liệu của cơ quan, tổ chức bị xử lý thế nào?

28/06/2025 07:15 |6 ngày trước

(LSVN) - Theo quy định pháp luật, hành vi hủy hoại tài liệu của cơ quan, tổ chức bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Lê Xuân Cảnh, Công ty Luật CTT và Cộng sự, để xác định tính chất, mức độ cũng như chế tài xử lý đối với hành vi hủy hoại tài liệu của cơ quan, tổ chức trước hết cần phải xem xét xem các tài liệu bị đốt có phải là tài liệu lưu trữ theo quy định của Luật Lưu trữ năm 2024, tiếp đó cần phải xác định giá trị tài liệu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo quy định Điều 14 Luật Lưu trữ năm 2024 thì việc xác định giá trị tài liệu là việc đánh giá tài liệu để xác định những tài liệu có giá trị lưu trữ, thời hạn lưu trữ, tài liệu hết giá trị và tài liệu không có giá trị lưu trữ. Điều 16 Luật này cũng quy định rõ, việc hủy tài liệu lưu trữ được thực hiện đối với các tài liệu sau đây:

- Tài liệu lưu trữ hết thời hạn lưu trữ;

- Tài liệu lưu trữ trùng lặp.

Khi hủy tài liệu lưu trữ phải bảo đảm hủy toàn bộ tài liệu và không thể khôi phục được.

Thẩm quyền quyết định hủy tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành được quy định như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương quyết định hủy tài liệu lưu trữ sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về lưu trữ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh quyết định hủy tài liệu lưu trữ sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lưu trữ;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử quyết định hủy tài liệu lưu trữ theo quy định.

Thẩm quyền quyết định hủy tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử được quy định như sau:

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định hủy tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hủy tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Việc hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước tại lưu trữ hiện hành được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định trình tự, thủ tục hủy tài liệu lưu trữ.

Luật sư Cảnh cho biết thêm, trường hợp tài liệu bị hủy hoại thuộc loại tài liệu lưu trữ và không thuộc trường hợp huỷ tài liệu hết giá trị, không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác thì hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu huỷ tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù cao nhất là 5 năm.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

MINH ANH

Các tin khác