(LSO) - Cựu nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bị kết án 20 năm tù giam vì các tội danh "Tham nhũng" và sử dụng trái phép các quỹ "đen" của Chính phủ.
Bản án do Tòa án tối cao Seoul công bố ngày 10/7 đã khép lại quá trình xét xử kéo dài nhiều năm qua đối với bà Park. Theo Yonhap, trong phán quyết mới nhất, các thẩm phán đã quyết định giảm mức án dành cho bà Park từ 30 năm tù giam như đề xuất của các công tố viên xuống còn 20 năm tù giam. Ngoài ra, cựu nữ tổng thống 68 tuổi cũng phải nộp phạt tới 18 tỉ won (khoảng 15 triệu USD).
Theo Đài KBS, mức án lần này với cựu Tổng thống nhẹ hơn bởi Hội đồng xét xử đã bác bỏ phần lớn cáo buộc về tội danh cưỡng ép và nghi ngờ liên quan đến vụ Phủ Tổng thống lập "bản danh sách trắng giới văn hóa", gồm các tổ chức bảo thủ có khuynh hướng thân Chính phủ được Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc tiến cử để được Chính phủ hỗ trợ tích cực.
Ngoài ra, tòa án nhận định bà Park Geun-hye hầu như không hưởng lợi khoản tiền nào cho cá nhân. Hơn nữa, nếu hết thời hạn chấp hành án tù, bà cũng không thể tham gia hoạt động chính trị, nên tòa đã giảm mức án.
Lần này, bà Park Geun-hye tiếp tục viện lý do sức khỏe, không tham dự phiên xét xử, tương tự như các phiên tòa từ tháng 10/2017 cho tới nay. Trong phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, bị cáo bị tuyên 25 năm tù giam.
Tuy nhiên, Hội đồng toàn bộ thẩm phán tòa án tối cao đã trả hồ sơ vụ án Choi Soon-sil cho tòa án cấp dưới vào tháng 8/2019 và vụ Cơ quan tình báo quốc gia vào tháng 11/2019.
Trong phiên tòa lần này, Luật sư của bà Park tiếp tục khẳng định bị cáo vô tội, giải thích rằng cựu Tổng thống đã lập ra Quỹ Mir và Quỹ K-Sports bằng nguồn vốn góp của doanh nghiệp do xét thấy việc hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế sáng tạo, văn hóa, thể thao mang lại lợi ích cho quốc gia.
Luật sư thừa nhận về việc các quỹ này có huấn luyện ngựa đua, nhận tiến cử từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ, nhưng đây không phải là hành vi cố ý phạm tội.
Về cáo buộc nhận hối lộ khoản chi phí hoạt động của NIS, Luật sư bà Park giải thích bị cáo đã không nhận thức được tính phi pháp, chỉ biết rằng NIS có một nguồn ngân sách và khoản tiền này được sử dụng theo thông lệ từ trước tới nay, nên đã ra chỉ thị sử dụng số tiền này. Do vậy, bị cáo phải được tuyên vô tội với cáo buộc liên quan.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Park chưa hề được hưởng lợi cá nhân từ vụ bê bối Choi Soon-sil, không hề hay biết bà Choi đã đạp đổ niềm tin của bản thân. Luật sư đề nghị tòa án giảm án, do bị cáo đã chịu trách nhiệm lớn về mặt chính trị, cũng như đã bị giam giữ trong thời gian dài, sức khỏe yếu dần.
Trước đó, bà Park từng bị luận tội năm 2016 vì hàng loạt cáo buộc sai phạm, đặc biệt là "Tham nhũng". Sau quá trình luận tội, vào năm 2017, người phụ nữ đầu tiên giữ ghế lãnh đạo Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục bị truy tố các tội "Lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và làm rò rỉ thông tin mật của chính phủ".
Một năm sau, vào năm 2018, bà bị kết án 24 năm tù giam và sau đó bị tăng lên thành 25 năm tù giam khi các chi tiết mới của vụ án bị phanh phui.
Bên công tố cáo buộc bà Park đã thông đồng với bạn của mình là Choi Soon-sil để đút túi hàng chục triệu USD từ các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc (chaebol). Bê bối tham nhũng này đã dẫn tới làn sóng biểu tình khắp cả nước với hàng trăm ngàn người đổ ra đường phản đối hoặc ủng hộ bà Park.
Bê bối cũng khiến nhiều doanh nhân tiếng tăm vướng vòng lao lý, bao gồm cả Jay Y. Lee, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung. Ông Lee ban đầu bị kết án 5 năm tù giam vì tội "Đưa hối lộ", nhưng về sau được phóng thích ngay trước khi Thế vận hội mùa đông 2018 khai mạc ở Hàn Quốc.
LÂM HOÀNG (t/h)