(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn hơn 150.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Tính ra, trung bình có 25.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác/tháng, tăng gần gấp 2 lần so với trung bình năm 2021.
Ảnh minh họa.
Để hạn chế thuê bao phát tán cuộc gọi rác (spam call), Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng áp dụng một số giải pháp cụ thể. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy việc cấp tên định danh cho các thuê bao thực hiện quảng cáo; kết hợp với tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp sai quy định. Đồng thời, xem xét đưa tiêu chí phản ánh cuộc gọi rác từ người dùng là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ QoS của nhà mạng.
Liên quan đến việc xử lý sim rác, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao. Theo đó, cơ quan quản lý đã yêu cầu xử lý các sim có thông tin không đúng quy định; yêu cầu nhà mạng rà quét thông tin thuê bao theo các tiêu chí (số CMND/CCCD), xác định các thuê bao nghi ngờ; thu hồi, ngăn chặn sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối; phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra công tác quản lý thuê bao và xử lý vi phạm tại 7 doanh nghiệp viễn thông di động và các đại lý.
Một trong những kết quả đạt được là từ tháng 9/2021 đến nay, 100% sim thuê bao được đăng ký mới của cá nhân (tương ứng với 8 triệu sim) đều được các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone xác thực qua video call (cuộc gọi có hình ảnh). Từ tháng 6/2022, các sim thuê bao đang hoạt động của nhà mạng đã có đủ thông tin đáp ứng các tiêu chí mà Bộ đề ra.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tổng số thuê bao di động của cả nước đang được duy trì ở mức 124 triệu thuê bao, giảm so với mức 127-129 triệu thuê bao của giai đoạn 2018-2019.
PV
Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp