Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

13/07/2022 22:35 | 2 năm trước

(LSVN) - Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, cam go, phức tạp của đảng và nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu các giải pháp phòng chống tham nhũng trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn, đánh giá tình hình kinh tế xã hội trong từng giai đoạn để đưa ra những giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng là rất cần thiết.

Ảnh minh họa.

Viện trưởng VKSND Tối cao: Ưu tiên thu hồi tài sản, giảm xử lý hình sự

Vừa qua, phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, chống tham nhũng là nhiệm vụ phức tạp, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để bổ sung quan điểm, cách làm mới đạt hiệu quả tốt. Một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát; tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự với người vi phạm.

Kinh nghiệm của Trung Quốc là khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, VKSND sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục thì VKSND khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán quyết. Ông Trí cho rằng, Việt Nam cũng nên tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người sai phạm khắc phục hậu quả. Cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. 

Theo ông Trí, hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng, đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Những vấn đề phức tạp phải tìm hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình, đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về quan điểm pháp lý liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp chia sẻ: "Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng và tích cực thu hồi tài sản. Chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay đối với tội phạm về tham nhũng là xử lý nghiêm minh và chú trọng việc thu hồi tài sản. Thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt chủ trương xử lý nghiêm minh, kịp thời phát hiện vi phạm và công tác thu hồi tài sản từng bước đạt hiệu quả. Vì vậy, tới đây tiếp tục duy trì chính sách kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, tăng cường công tác thu hồi tài sản và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ thu hồi tài sản và "hành chính hóa", "dân sự hóa" hành vi tham nhũng thì sẽ không đảm bảo hiệu quả mà cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn".

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có nhiều hành vi được xác định là hành vi tham nhũng như: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Về mặt lý luận, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm thực hiện các hành vi theo điều luật mô tả. Phần lớn các hành vi tham nhũng ở Việt Nam được xác định là tội phạm và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật phải bị áp dụng chế tài hình sự, trong đó có nhiều tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.

"Pháp luật cũng quy định rõ không xét xử oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Kết án oan người vô tội cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc xử lý tội phạm hay không xử lý tội phạm không thể tùy tiện mà phải căn cứ vào quy định pháp luật; khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản thì có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng. Nếu những người có chức vụ quyền hạn tham nhũng mà bị phát hiện, chỉ phải nộp lại tài sản mà không bị xử lý hình sự thì họ sẽ không sợ, sẽ càng cũng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Theo quy định của pháp luật, hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một trong các tội danh trong nhóm tội về tham nhũng thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Khuyến khích người phạm tội bồi thường khắc phục để được hưởng khoan hồng là việc cần làm và phải có những giải pháp để đảm bảo hiệu quả. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải hướng đến những mục tiêu làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

Cần phải kết hợp hài hòa giữa phòng và chống

Theo Luật sư Cường, việc học tập kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vẫn phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, trong đó có nguyên tắc là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự chứ không thể thỏa thuận với họ về việc nộp tài sản thì sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu để thất thoát tài sản công, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí mà thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý đối với các cá nhân sai phạm. Còn trách nhiệm tập thể, trách nhiệm về phần dân sự thì có thể giải quyết trong vụ án hình sự hoặc giải quyết trong quan hệ dân sự hành chính khác mà không loại trừ trách nhiệm hình sự với cá nhân.

"Trong đấu tranh phòng - chống tham nhũng thì "phòng" và "chống" là hai nhiệm vụ khác nhau, có mối liên quan, quan hệ biện chứng với nhau. Tuy nhiên, đề cao các giải pháp phòng tham nhũng là đúng hướng và tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của xã hội. Phòng tham nhũng không có nghĩa là không chống hoặc chống tham nhũng một cách hời hợt. Cần phải kết hợp hài hòa giữa phòng và chống, hoạt động phòng tham nhũng không thể thay thế cho hoạt động chống tham nhũng. Với hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chống, phải xử lý chứ không thể áp dụng các giải pháp phòng tham nhũng, "hành chính hóa" hay "dân sự hóa" để xử lý với các hành vi đã vi phạm", Luật sư Cường nói.

TIẾN HƯNG

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới