/ Luật sư trực ban
/ Đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế rồi thì có thay đổi được không?

Đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế rồi thì có thay đổi được không?

13/05/2024 14:53 |

(LSVN) - Theo quy định hiện hành, nếu đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, thì có thay đổi được không?

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 609, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế. Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Còn tại Điều 620, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản thừa kế. Theo đó, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế được quy định tại Điều 59, Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Theo đó, người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết. Từ quy định này có thể thấy, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế không bắt buộc phải công chứng nhưng có thể công chứng theo yêu cầu của người nhận di sản thừa kế.

Bên cạnh đó, Điều 620, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Căn cứ các quy định trên thì văn bản từ chối nhận di sản thừa kế sẽ có giá trị pháp luật khi văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã được công chứng hoặc văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Hiện tại, pháp luật không quy định trường hợp người thừa kế được thay đổi ý chí sau khi đã làm thủ tục từ chối nhận di sản, nên nếu văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã có giá trị pháp lý thì không thể thay đổi được.

Phần di sản do người thừa kế từ chối nhận được giải quyết theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 650, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Từ quy định trên có thể thấy phần di sản do người thừa kế từ chối nhận sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người được hưởng thừa kế theo thứ tự các hàng thừa kế quy định tại khoản 1, Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

QUÝ NGUYỄN

Sẽ phát hành phôi Giấy CNQSDĐ theo một mẫu thống nhất

Nguyễn Hoàng Lâm