/ Pháp luật - Đời sống
/ Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ khoản tiền đặt cọc trong giao dịch bất động sản

Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ khoản tiền đặt cọc trong giao dịch bất động sản

29/08/2023 19:23 |

(LSVN) – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV vào sáng 29/8/2023. Theo đó, Hội nghị đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).


Ảnh minh họa.

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Hội nghị, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với nội dung bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để bên mua và bên bán tin tưởng lẫn nhau…

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này cần bổ sung thêm quy định cụ thể về khoản tiền bảo lãnh (đặt cọc) đối với nhà ở hình thành trong tương lai để xử lý những trường hợp hủy hợp đồng khi mà bên mua và bên bán không thể tự thỏa thuận được với nhau.

Tại Hội nghị, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 Điều 23. Theo đó, đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết về quy định đặt cọc và cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và về thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối.

Thực tế hiện nay được đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì thiếu những quy định này, do đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30%-50% tổng giá trị của công trình…

Đại biểu nhận thấy, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

Góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 Điều 23, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng bày tỏ băn khoăn về quy định mức đặt cọc.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên quy định mức tối thiểu đặt cọc từ 5%-10%. Nếu số tiền đặt cọc quá thấp thì khách hành sẽ dễ dàng bỏ cọc nêu không có nhu cầu nữa, thực tế điều này đã xảy ra. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biếtvề đặt cọc, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết quy định về đặt cọc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quan điểm sửa luật để quy định thống nhất mức tiền đặt cọc không được quá cao để không biến đặt cọc thành huy động vốn; nhưng cũng không được quá thấp. Do đó các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định ở mức đặt cọc hợp lý.

HỒNG HẠNH

 

Bùi Thị Thanh Loan