/ Thư viện pháp luật
/ Đà Lạt, Lâm Đồng: Bỗng dưng mất đất vì một hợp đồng chuyển nhượng 'bất thường'

Đà Lạt, Lâm Đồng: Bỗng dưng mất đất vì một hợp đồng chuyển nhượng 'bất thường'

20/03/2023 11:39 |

(LSVN) - Người chuyển nhượng không nhận được tiền, người ký tên trong hợp đồng không phải là vợ hợp pháp của người chuyển nhượng, nhưng vẫn được công chứng viên chứng thực đã hé lộ dấu hiệu của tội phạm để chiếm đoạt đất. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng làm rõ.

Bất thường từ một hợp đồng chuyển nhượng đất

Trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã phản ánh về việc nhà lồng kính trồng hoa màu của ông L.Q.H. bị huỷ hoại trên đất đang tranh chấp tại phường 11 TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào ngày 05/01/2022. Vụ việc không những có dấu hiệu phạm tội "Huỷ hoại tài sản" mà còn đang gây tranh cãi về chủ sở hữu của mảnh đất này khi ông Nguyễn Văn Thoại (người tổ chức phá dỡ nhà lồng, huỷ hoại hoa màu) tuyên bố là chủ thửa đất vì nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Thành Nhân (địa chỉ số 8/01 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Còn theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G450828 ngày 29/8/1996, thửa đất số 115, 202A, tờ bản đồ số 72A, diện tích đất 2.088,00m2 tại địa phường 11, TP. Đà Lạt thuộc quyền sử dụng của ông Đỗ Văn Vui. Nguy cơ mất đất chỉ vì cả tin ký kết vào một hợp đồng trái luật, ông Vui đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, đồng thời khởi kiện ra Toà án TP. Đà Lạt để đề nghị tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất với người nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Thành Nhân.

Tên người vợ (bà Thắm) trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tên người vợ (bà Ngạn) trong giấy công nhận kết hôn. 

Ngày 18/01/2023 vừa qua Sở Tư pháp đã báo báo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chuyển hồ sơ sang Công an TP. Đà Lạt  vì có dấu hiệu tội phạm trong việc ký kết, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Đỗ Văn Vui và ông Nguyễn Thành Nhân. 

Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có điều kiện chuộc lại) lập ngày 25/11/2011 giữa người chuyển nhượng là ông Đỗ Văn Vui và người nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Thành Nhân do công chứng viên Trương Mạnh Sơn thuộc Văn phòng Công chứng Minh Tâm (nay là Phòng Công chứng Phạm Thị Thuỳ Trang) chứng thực, thì tên người vợ (ông Vui) là bà Nguyễn Thị Hồng Thắm. Còn theo giấy công nhận kết hôn thì vợ của ông Vui là bà Nguyễn Thị Ngạn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, bà có quan hệ làm ăn chung với ông Vui và là người lăn tay ký tên với vai trò là vợ ông Vui trong hợp đồng chuyển nhượng đất lập ngày 25/11/2011. Thời điểm đó bà cần vay số tiền là 30.000.000 đồng để làm ăn, nên có nhờ ông Vui mang sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G450828 ngày 29/8/1996) đến ngân hàng để vay vốn và được một số người làm quen giới thiệu đến Văn phòng Công chứng Minh Tâm để làm thủ tục. Do vợ ông Vui (bà Ngạn) vắng nhà, lên những người ở đây nói chỉ cần có người thân thôi, ký tên cùng với ông Vui là vay được tiền.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định đã ký tên, lăn tay trong hợp đồng và ông Vui không bán đất cũng như chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền nào.

Còn ông Đỗ Văn Vui thì khẳng định, khi ký hợp đồng tại phòng công chứng, không có mặt ông Nguyễn Thành Nhân (người nhận chuyển nhượng) và cho đến thời điểm hiện tại ông cũng không biết ông Nhân là ai. Cả hai người (ông Vui, bà Thắm) đều khẳng định không bán đất, chỉ thế chấp ngân hàng để vay tiền và chưa hề nhận được bất kỳ một khoản tiền nào kể từ khi ký kết hợp đồng ngày 25/11/2011. Chỉ đến khi ông Thoại đến yêu cầu bàn giao đất thì ông Vui mới tá hoả là đất của mình đã bị ông Nhân đem bán cho người khác. Hiện tại ông Vui rất hoang mang, lo sợ vì suốt ngày có người lạ mặt đến đe dọa bàn giao đất, ông hy vọng các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc này.

Vì sao Sở Tư pháp báo cáo có dấu hiệu tội phạm…?

Luật sư Phùng Ngọc Long, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nhận định của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng về dấu hiệu tội phạm trong việc ký kết và chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có điều kiện chuộc lại) lập ngày 25/11/2011 giữa ông Đỗ Văn Vui (bên chuyển nhượng) và ông Nguyễn Thành Nhân (bên nhận chuyển nhượng) do công chứng viên Trương Mạnh Sơn chứng thực là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì công chứng viên đã vi phạm các điều cấm của Luật Công chứng, khi không kiểm tra (hoặc cố tình không kiểm tra) giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Nếu hồ sơ yêu cầu công chứng không đầy đủ, không phù hợp với quy định của pháp luật thì không được công chứng, trong trường hợp này công chứng viên đã dùng hồ sơ giả mạo để công chứng (giả mạo bà Thắm là vợ hợp pháp của ông Vui).

"Ngoài ra nếu như tố cáo của ông Vui là đúng sự thật (không nhận được tiền, người nhận chuyển nhượng không có mặt,…) thì đây là một âm mưu “gài bẫy” để chiếm đoạt tài sản có tổ chức", Luật sư Long bày tỏ.

Sở Tư pháp báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc có dấu hiệu tội phạm trong ký kết, chứng thực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Vui và ông Nhân.

Luật sư Long nhấn mạnh: "Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trình tự thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ ông Đỗ Văn Vui sang cho ông Nguyễn Thành Nhân. Bởi vì cơ quan chuyên môn quản lý đất đai bắt buộc phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ chuyển nhượng mới với hồ sơ gốc của thửa đất đã được lưu trữ. Trường hợp phát hiện có những sai sót thì đề nghị người yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong trường hợp này rõ ràng thông tin về người vợ trong hợp đồng chuyển nhượng đất (bà Nguyễn Thị Hồng Thắm) đã sai lệch với tên người vợ trong giấy công nhận kết hôn. Vì vậy việc Sở tư pháp chuyển hồ sơ sang Công an TP. Đà Lạt để xác minh, điều tra làm rõ là có căn cứ.

Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc quá trình điều tra, xác minh, dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

TẢ THANH THIÊN

Cần làm rõ vụ huỷ hoại hoa màu tại phường 11, TP. Đà Lạt

Đà Lạt, Lâm Đồng: Từ vụ huỷ hoại hoa màu hé lộ dấu hiệu tội phạm từ một hợp đồng ‘giả cách’

Bùi Thị Thanh Loan