Chia sẻ với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Trung Thành, Trưởng Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mình là luật sư bào chữa cho một trong các bị cáo người Việt Nam trong vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do Wang YunTao và các đồng phạm thực hiện, bị VKSND TP. Đà Nẵng truy tố theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Kết quả xét xử sơ thẩm và vấn đề đặt ra
Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2018, Wang YunTao (quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam, tổ chức thành lập nhiều công ty hoạt động cho vay lãi nặng qua các ứng dụng như “Ơi vay”, “VDONG” và “Yoloan”. Các khoản vay giao động từ 300.000 đồng đến 20.000.000 đồng; thời hạn từ 21 đến 30 ngày với tổng lãi và phí từ 30% - 40%/tháng (tương đương 360% - 480%/năm).
Đầu năm 2024, sau khi tiếp nhận tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chuyển hồ sơ truy tố. Vụ án được TAND TP. Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm trong các ngày 23, 24/5/2025 và tuyên án vào ngày 28/5/2025.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã ghi nhận phần nào ý kiến, quan điểm, luận cứ bào chữa của các luật sư; phân hóa vai trò của từng bị cáo, tuyên mức án nhẹ hơn so với đề nghị của VKSND TP. Đà Nẵng. Theo đó, 33 bị cáo người Việt Nam bị xử phạt từ 6 tháng đến 30 tháng tù giam, đồng thời bị truy thu toàn bộ tiền lương, thu nhập qua tài khoản (bị xem là thu lợi bất chính).

Luật sư Nguyễn Trung Thành (thứ 3, từ trái sang phải) tại phiên xét xử sơ thẩm.
Tuy nhiên, với tư cách là người trực tiếp bào chữa, Luật sư Thành vẫn mang nặng những trăn trở về thân phận người lao động người Việt Nam (bị cáo, người lao động thuần túy, không có chức danh gì trong tổ chức) trong vụ án này. Những người làm công ăn lương, đều lần đầu phạm tội, xuất thân trong sạch, có người từng phục vụ trong lực lượng vũ trang, phần lớn có trình độ học vấn từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học.
Bản chất người lao động và sự phân hóa không đồng đều
Theo hồ sơ vụ án, những bị cáo người Việt Nam được tuyển dụng làm việc trong hệ thống công ty có đăng ký kinh doanh, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế, trả lương qua tài khoản, có tổ chức công đoàn. Họ được ký hợp đồng lao động, nhận lương cơ bản và các khoản phụ cấp theo hiệu quả công việc.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra TP. Đà Nẵng đã xác định 169 nhân viên khác trong cùng hệ thống công ty nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do "tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể", dù bản chất công việc tương đồng, cũng là người lao động không có chức danh gì trong các doanh nghiệp, như các bị cáo bị khởi tố. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự phân hóa về vai trò trong vụ án, điều cần được cân nhắc khi lượng hình.
Thế nhưng, mâu thuẫn nằm ở chỗ VKSND TP. Đà Nẵng lại đề nghị áp dụng ba tình tiết tăng nặng giống nhau cho toàn bộ các bị cáo người Việt Nam (cả người có chức danh như tổ trưởng, nhóm trưởng và người lao động thuần túy, không có chức danh), gồm: Phạm tội có tổ chức (điểm a); Có tính chất chuyên nghiệp (điểm b); Phạm tội 2 lần trở lên (điểm g).
“Việc không phân hóa trách nhiệm hình sự này là chưa phù hợp với bản chất vụ án và với chính cách mà cơ quan điều tra đã xác định trước đó”. Luật sư Thành chia sẻ.
Vai trò đồng phạm giản đơn của người lao động
Theo Luật sư Thành, xét về mặt khách quan, những người lao động trong vụ án này có thể không biết hoặc không nhận thức đầy đủ về hành vi cho vay lãi nặng; Chỉ thực hiện công việc theo sự phân công, không quyết định mức lãi suất, không tiếp nhận ý chí phạm tội từ chủ mưu; Bộ phận đòi nợ, nhắc nợ quá hạn, người vay không trả thì báo công ty, miễn lãi hoặc xóa nợ luôn chứ không có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” như những vụ án khác và họ cũng hông hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động bất hợp pháp, chỉ nhận lương theo hợp đồng lao động.
Các bị cáo là những người đồng phạm giản đơn, mang tính chất giúp sức không đáng kể, không thể xác định phạm tội có tổ chức. Vì phạm tội có tổ chức là 1 tổ chức tội phạm có hoạt động phân công, phân nhiệm, bố trí các bộ phận, vị trí rõ ràng, người thực hành, người hỗ trợ, giúp sức và người chủ mưu. Các bộ phận liên kết với nhau một cách chặt chẽ, có hệ thống thống nhất với nhau để thực hiện tội phạm mà ai cũng biết từ trước. Còn ở đây, các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi từ sự sai phạm. Nếu quy buộc tính có tổ chức thì chỉ áp dụng cho người người cầm đầu, chủ mưu đã sử dụng các bị cáo như một công cụ để thực hiện theo ý đồ của mình. Còn họ, chỉ là các đồng phạm giản đơn.
Đối với tình tiết tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên”
Khoản 2, Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQHĐTP của Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao "hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" quy định: Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự…”.
"Cùng với đó, cáo trạng thể hiện hình thức cho khách hàng vay từ 300.000 đồng đến 20.000.000 đồng; lãi và chu kỳ cho mỗi lần cho vay 30% /21 ngày. Ví dụ lần vay có số tiền cao nhất là 20.000.000 đồng, thì sau 21 ngày số lãi phát sinh là 20.000.000 đồng x 30% = 6.000.000 đồng. Như vậy, các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nên theo quy định trên các bị cáo đều không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”, Luật sư Thành chia sẻ.
Đối với tình tiết tăng nặng “Có tính chất chuyên nghiệp”
Như phân tích trên, các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không biết hoặc không nhận thức đầy đủ về hành vi cho vay lãi nặng, chỉ thực hiện công việc theo sự phân công, không quyết định mức lãi suất, không tiếp nhận ý chí phạm tội từ chủ mưu… Theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là sử dụng công việc phạm tội làm nguồn sống (như đi cướp/trộm hàng ngày để sống, không làm công việc khác). Trong vụ án, người lao động (bị cáo) chỉ làm 1 công việc này nhưng nhận thức của họ không phải thực hiện hành vi phạm tội vì họ được hưởng lương thông thường theo hợp đồng lao động nên được xem là công việc đơn thuần, thông thường vì vậy không thể áp dụng tình tiết "có tính chất chuyên nghiệp", Luật sư Thành đưa ra quan điểm.
Về việc truy thu tiền lương
Theo Luật sư Thành, việc truy thu toàn bộ tiền lương (khoản thu nhập chính đáng của người lao động) với lý do là "thu lợi bất chính" là chưa phù hợp. Các bị cáo nhận lương từ công ty đã đăng ký hoạt động hợp pháp, hoàn thành công việc được giao trong khuôn khổ pháp luật lao động. Nhiều khoản lương đã được sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, chi phí thiết yếu. Việc truy thu số tiền này không chỉ trái với tinh thần pháp luật về lao động, mà còn tạo thêm gánh nặng cho các bị cáo và gia đình, làm tăng nguy cơ tái phạm hoặc rơi vào bế tắc sau án tù.
“Với những người nhờ tiếp tục hỗ trợ ở giai đoạn phúc thẩm, tôi sẽ trình bày đầy đủ các căn cứ pháp lý và thực tế nêu trên để đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho nhóm bị cáo là người lao động người Việt Nam; cân nhắc cho hưởng án treo/cải tạo không giam giữ nếu đủ điều kiện; không truy thu toàn bộ lương nếu không chứng minh được đó là thu nhập từ hành vi phạm tội có chủ đích”, Luật sư Thành trao đổi.

Các bị cáo tại phiên xét xử.
Luật sư Thành cho biết thêm, pháp luật đòi hỏi mọi công dân phải nhận thức hành vi phạm pháp. Nhưng khi xét xử một vụ án có đồng phạm, tòa án cần cân nhắc bản chất hành vi, mức độ tham gia, nhận thức của từng người và không nên đồng nhất hóa trách nhiệm hình sự.
Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến tính nhân văn, răn đe nhưng giáo dục và cải tạo là chủ yếu. Đối với người lao động lần đầu phạm tội, không có tình tiết tăng nặng, hưởng án treo/cải tạo không giam giữ là phù hợp, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập nhanh chóng và không làm gián đoạn cuộc sống lương thiện sau khi nhận thức rõ sai lầm.