Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đề nghị xem xét bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 9 về nghĩa vụ của nhà giáo. Nội dung này quy định nhà giáo có nghĩa vụ tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm nghĩa vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đó là phải xây dựng môi trường giáo dục thân thiện.
Theo đại biểu, đây là nội dung nằm trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đã được phát động cách đây hơn 16 năm và đến nay đã khẳng định vẫn nguyên giá trị, ý nghĩa. Để đạt được mục đích này, các thầy cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo.
Các thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh. Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm, đe dọa học sinh. Trường học có cơ sở vật chất đảm bảo các quyền tự nhiên, thiết yếu của con người. Trường học thân thiện là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ với giáo dục, hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ. Nghĩa vụ của nhà giáo trong xây dựng trường học thân thiện thì ngoài truyền thụ kiến thức còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường và điều kiện để học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương. Đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh để giáo dục các em, giáo dục cho học sinh biết rèn luyện thân thể để tự bảo vệ sức khỏe, đời sống lành mạnh, an toàn, đến quý trọng gia đình, độ lượng và bao dung, có tình yêu với quê hương, đất nước...
Ngoài ra, về chính sách tiền lương đãi ngộ đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.