Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV. Bên cạnh các chính sách đãi ngộ, ưu đãi, dự thảo Luật còn quy định rõ về việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo.
Cụ thể, Điều 43 dự thảo Luật quy định việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo như sau: Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức và các quy định khác có liên quan. Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với người lao động, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và các quy định khác có liên quan.
Bên cạnh đó, việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo không được ảnh hưởng đến hoạt động học tập của người học. Quá trình xem xét xử lý kỷ luật nhà giáo phải bảo đảm tính nhân văn, giữ gìn hình ảnh, uy tín của nhà giáo và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Luật này.
Về việc tạm đình chỉ giảng dạy, trong thời hạn xem xét xử lý kỷ luật, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo nếu việc nhà giáo tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật hoặc ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo. Trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận người đứng đầu cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ.
Đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy, tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức đối với trường hợp tạm đình chỉ công tác. Đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy, tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động đối với trường hợp tạm đình chỉ công việc.
Ngoài ra, dự thảo còn giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.