Ảnh minh họa.
Cụ thể, tranh luận về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này để bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) nêu hiện tượng livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như TikTok có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng, giá bán rẻ hơn cả đại lý, rẻ đến "hoang mang" không biết hàng thật hay hàng giả. Vậy cơ quan quản lý nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói hiện nay, quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp. Bộ Công thương đóng vai trò chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan, dùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, tìm địa điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, chống thất thu thuế.
Giải pháp tiếp theo là kinh doanh thương mại điện tử biến hóa khôn lường nên các quy định quản lý pháp luật phải tiếp tục được rà soát. Đây là vấn đề mới không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp phải. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa vì vậy cơ chế chính sách phải sửa đổi rà soát tiếp.
Giải pháp nữa là phải phát huy vai trò hệ thống chính trị, vai trò của người dân, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì xóa, yêu cầu chủ phòng livestream xóa kênh thì sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, hàng giả hàng kém chất lượng. Khi có chứng cứ vi phạm thì sẽ hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan quản lý pháp luật xử lý...
NHƯ NGỌC