Đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi hòa giải

24/05/2024 10:03 | 1 tháng trước

(LSVN) - Phân chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn là trường hợp rất phổ biến hiện nay tại các Tòa án nói chung. Việc thống nhất, thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong vụ án ly hôn là điều mà Tòa án cũng như các đương sự rất mong muốn đạt được, bởi khi sự thỏa thuận của các đương sự đi đến được thống nhất thì quá trình tiến hành tố tụng tại Tòa án được rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng được đảm bảo tốt nhất.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết vụ án hôn nhân gia đình tại Tòa án, khi đương sự có yêu cầu giải quyết tài sản chung trong vụ án ly hôn thì vụ án đó “đại khái” được cho là vụ án phức tạp, đa số những người tiến hành tố tụng thường có tâm lý “quan ngại”. Kể cả việc, khi các đương sự đã tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải.

Xuất phát từ thực tiễn công việc, thông qua bài viết này, tác giả muốn trao đổi quan điểm về thủ tục giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp “Đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải”. Từ đó, phân tích nguyên nhân, đồng thời tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tại Tòa án và bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Thực trạng và quan điểm giải quyết vấn đề

Đối với yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đương sự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung của vợ chồng thì có nhiều phương án để lựa chọn việc ghi nhận sự thỏa thuận phân chia tài sản, có thể là: Khởi kiện tại Tòa án và vợ chồng sẽ thỏa thuận phân chia tài sản chung tại phiên hòa giải; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng; Đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định;

Tuy nhiên, nghĩa vụ chịu án phí, chi phí tố tụng khi yêu cầu giải quyết chia tài sản chung vợ chồng là điều mà hầu hết các đương sự đều đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Hơn nữa, yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là trường hợp được pháp luật quy định đương sự phải chịu án phí như đối với vụ án dân sự có giá ngạch. Việc hòa giải về án phí cũng là một nội dung bắt buộc trong quá trình hòa giải vụ án hôn nhân gia đình. Thực tế, có một số vụ án Thẩm phán đã hòa giải được hết các vấn đề trong vụ án như: quan hệ hôn nhân, con chung, thỏa thuận giải quyết tài sản chung… nhưng, chỉ vì không thỏa thuận được phần án phí mà Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử.

Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với phần giá trị phần tài sản mà họ được hưởng”.

Điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định:

“Các đương sự trong vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch”.

Như vậy, khi vợ chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung thì họ phải có nghĩa vụ chịu án phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải mà các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ cũng phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với trường hợp đương sự yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực lập biên bản ghi nhận sự thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng, đây là thủ tục giải quyết ngoài Tòa án nên tác giả không bàn luận nhiều. Lựa chọn phương án này đương sự không phải chịu nghĩa vụ đóng án phí, lệ phí Tòa án nhưng chắc chắn đương sự cũng phải tốn lệ phí cho việc công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung.

Trên phương diện đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, tác giả đồng tình và ủng hộ với phương án giải quyết: Đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải. Lựa chọn phương án này, đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc thỏa thuận phân chia tài sản chung, bởi vì: Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: “Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung;”.

Theo tác giả, đây là một lựa chọn có lợi và tối ưu nhất cho các đương sự khi có yêu cầu giải quyết chia tài sản chung mà họ tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung của vợ chồng.

Trên phương diện là người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, tác giả nhận thấy đây cũng là phương án giải quyết phù hợp, giúp giảm bớt một phần áp lực cho Thẩm phán khi tiến hành hòa giải, cũng như áp lực về trách nhiệm vì không phải đưa ra quyết định mang tính bắt buộc nào.

Theo cách hiểu của tác giả, đối với việc đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải, đương sự cần phải nộp cho Tòa án văn bản thể hiện sự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và văn bản yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định. Tòa án căn cứ quy định pháp luật và trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành của Tòa án, văn bản thể hiện sự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng, văn bản yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định… để ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Như tác giả đánh giá, mặc dù phương án đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải rất “phù hợp” cho đương sự cũng như Tòa án. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ hiện nay, số vụ án giải quyết theo thủ tục này rất ít, bởi vì, pháp luật chưa có quy định cụ thể hướng dẫn trình tự, thủ tục tố tụng đối với trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải, nên có những quan điểm khác nhau về thủ tục tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án như: Trước khi ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong bản án, quyết định Tòa án có cần phải tiến hành các thủ tục tố tụng như: Xem xét thẩm định lại tài sản, thu thập chứng cứ xác định lại vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không...?  Điều này dẫn đến việc Tòa án “quan ngại” sợ ban hành quyết định, bản án không đảm bảo tính khách quan và sai sót nên thường hướng dẫn đương sự thực hiện việc tự thỏa thuận phân chia tài sản tại các cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực bên ngoài hoặc Tòa án thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng, thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, tiến hành hòa giải ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải và đương sự phải chịu án phí và chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật.

Kết luận

Bài viết trên của tác giả được đánh giá trên quan điểm cá nhân. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc và các đồng nghiệp để bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN THỊ VÂN

Thư ký TAND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Thỏa thuận không cạnh tranh và bảo mật thông tin giữa DN và NLĐ: Kinh nghiệm của Pháp, Mỹ và đề xuất cho Việt Nam