/ Pháp luật - Đời sống
/ Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết 33/2021/QH15 tổ chức phiên tòa trực tuyến

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết 33/2021/QH15 tổ chức phiên tòa trực tuyến

08/11/2022 03:53 |

(LSVN) - Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điều này thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử trong bối cảnh dịch bệnh.

Phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 08/11, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, qua nghiên cứu các báo cáo cho thấy, trong năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19…

Trong năm qua, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng tăng cường các hoạt động chống phá… Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực triển khai kịp thời của các bộ, ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát,… công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt kết quả nhất định.

Đại biểu cho rằng, nhìn chung, các cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết các vụ việc từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của ngành, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Đại biểu Ngọc nhấn mạnh, phải khẳng định rằng, trong những năm qua, Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá là điểm đến an toàn của du khách và các nhà đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo niềm tin của nhân dân.

Đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điều này thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã khẩn trương, chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các văn bản và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện việc xét xử trực tuyến.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chưa bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng theo báo cáo đến hết ngày 30/09/2022 toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được rất nhiều vụ án với con số rất ấn tượng, qua đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các Tòa án; khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân trực tiếp theo dõi một số phiên tòa.

VĂN QUANG

Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức

Loan B T Thanh