/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển đất nước

Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển đất nước

28/01/2021 02:49 |

(LSVN) - Nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng tiếp tục củng cố thêm truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, có các quyết sách có tính lan tỏa sâu rộng tới các vùng miền; nghị quyết Đảng dẫn đường chỉ lối để các địa phương tương trợ nhau cùng phát triển, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc…

Chia sẻ suy nghĩ về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Lê Ngọc Quang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: Theo dõi toàn văn Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày tôi thấy, Đảng ta ngày càng tiến bộ và đạt thêm nhiều “điểm cộng” trong lòng nhân dân.

Bộ Chính trị đã quyết định cho công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương.

Từ việc trên có thể thấy, chúng ta đã thể hiện rõ sự dân chủ, dân chủ từ trong nội bộ Đảng đến toàn thể nhân dân. Và hơn thế nữa, còn thể hiện sự cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, lắng nghe dư luận, và trong Nghị quyết của mình, Đảng luôn luôn thể hiện ý chí nguyện vọng của cán bộ Đảng viên và nhân dân.

Mặt khác, thông qua việc lắng nghe cầu thị ấy, Đảng còn nhận được nhiều góp ý rất chân thành, nhiều hiến kế về những chủ trương, định hướng và giải pháp trong nhiệm kỳ XIII mang hơi thở cuộc sống thực tiễn để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Một “điểm cộng” nữa, đó là công tác nhân sự, tôi thấy chúng ta làm thực sự bài bản; nhân sự các cấp, kể cả cấp ủy cấp cơ sở cho đến cấp ủy trung ương đều phải trải qua 5 bước, làm trong nội bộ Đảng lấy ý kiến và còn thêm một bước đó là lắng nghe ý kiến của Nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội, nghe dư luận báo chí, nghe dư luận xã hội để đánh giá” – đồng chí Quang cho biết thêm.

Dõi theo Đại hội XIII, đồng chí Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch UBND xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII, các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện đại hội. Theo đó, Đại hội XIII sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị và các báo cáo chuyên đề tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025. Dự thảo các Văn kiện đưa ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, hướng tới những dấu mốc phát triển của đất nước…

Thông qua việc bàn thảo, tôi kỳ vọng đại hội sẽ đưa ra những quyết sách tiếp tục có chủ trương hỗ trợ cho các địa phương vùng miền núi, vùng cao, tạo đà để kinh tế - xã hội phát triển hơn, tiến tới là tiền đề, là động lực động lực để không riêng địa phương tôi mà cả vùng Tây Bắc.

Đồng chí An cũng chia sẻ, những năm qua được Đảng và nhà nước và Chính phủ quan tâm, các cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương cơ bản được hoàn thiện, đời sống của người dân địa phương chúng tôi không ngừng được cải thiện nâng cao. Đường sá, nhà cửa, điện sáng, đời sống nhân dân miền núi, xây dựng nông thôn mới, y tế học hành… tất cả những tiêu chí này đều có những bước phát triển, thay đổi đồng đều cả về lượng và chất.

“Tôi nghĩ Đại hội XIII là thời điểm lịch sử để chúng ta củng cố thêm nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn bó sâu sắc hơn nữa giữa các vùng miền, sự kiện chính trị trọng đại phải thực sự là ngày hội lớn cho các địa phương siết lại gần nhau hơn, để từ đó có những hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển, và coi đó là định hướng chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để “không địa phương nào bị bỏ lại phía sau”.

Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết: Chúng tôi thấy Đại hội XIII diễn ra ngay trước thềm Xuân mới, tôi cũng như các đảng viên, người dân đều kỳ vọng và tin tưởng sau Đại hội, Đảng, Nhà nước ta sẽ có thêm nhiều chương trình hành động thiết thực mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Chắc chắn đất nước sẽ có những đổi thay mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Trong nhiệm kỳ qua chúng tôi cảm nhận rõ được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nỗ lực không ngừng để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung và ở huyện vùng cao Bảo Yên nói riêng có nhiều đổi thay rõ rệt. Đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được cấp ủy, chính quyền triển khai kịp thời, đạt kết quả thiết thực đáng ghi nhận, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự chênh lệch trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc và miền núi so với người dân vùng đồng bằng, đô thị còn quá cao. Cùng với đó, việc tiếp cận tri thức và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh của đại đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế.

Phần mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Mục 5 toàn văn Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày, có đoạn nhấn mạnh: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số...”. Điều đó thể hiện sự chú trọng quan tâm của Đảng với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và dân tộc miền núi.

Đại hội lần này, chúng tôi kỳ vọng Đảng tiếp tục có những quyết sách mang tính đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa. Đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội; chăm lo phát triển nâng cao dân trí, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm ở vùng nông thôn, miền núi; áp dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi...; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, là một người sinh ra từ vùng cao tôi rất kỳ vọng Đại hội lần này đề ra chủ trương, quyết sách chiến lược để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong các cộng đồng dân tộc ở vùng cao.

Chị Bùi Thị Ngọc, ở tổ 11 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: Tôi cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào, và ngay trong lúc này, đều chung niềm  tin tưởng và kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp; Đại hội sẽ đề ra chủ trương, quyết sách tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc. Tôi nhớ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay". Vì lẽ đó, tôi mong Đại hội XIII của Đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển; sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đất nước phát triển đi lên một cách bền vững.

Dõi theo Đại hội từ những ngày chuẩn bị, chúng tôi thấy, Đại hội XIII đã dành nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của cả hệ thống chính trị vào sức mạnh của toàn dân tộc. Và sức mạnh này đã được chúng ta “thử lửa” trong thực tiễn, đó chính là cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

Tôi tin tưởng, Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân; thống nhất ý chí và hành động, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển thịnh vượng, đời sống người dân tiếp tục nâng cao, ấm no, hạnh phúc…

KIM CHIẾN/ĐCSVN

Lê Minh Hoàng