Dự Lễ khởi công có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên.
Cùng dự có lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, đại diện các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc cùng đông đảo giảng viên, sinh viên và các đơn vị thi công.
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021-2025 là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; là 1 trong 80 công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021-2025
Nâng cao năng lực, quy mô, chất lượng đào tạo
Dự án do Đại học Thái Nguyên làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 324 tỷ đồng, được triển khai trong không gian đã được quy hoạch của Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên thuộc và trực thuộc.
Các hạng mục chính của Dự án bao gồm: Nhà thí nghiệm và giảng đường lớn (Trường Đại học Khoa học); Trung tâm Y học gia đình và thực hành khám chữa bệnh (Trường Đại học Y Dược); Nhà giảng đường và thực hành N3 (Trường Ngoại ngữ); Trung tâm Thí nghiệm thực hành các khoa (Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp); Nhà đa năng (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh); hạ tầng và các công trình phụ trợ Đại học Thái Nguyên (gồm: Nhà ăn, Nhà để xe; Hạ tầng hông nghệ thông tin kết nối toàn Đại học).
Đây là dự án nhóm B, công trình dân dụng và công nghệ thông tin, truyền thông. Sau khi dự án được phê duyệt, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công xây dựng, hồ sơ thiết kế chi tiết hạng mục hạ tầng công nghệ thông tin kết nối toàn Đại học và tổng dự toán Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III, giai đoạn 2021-2025. Dự kiến Đại học Thái Nguyên sẽ tiến hành giải ngân vốn cho các nhà thầu thực hiện các gói thầu trong năm 2025.
Việc khởi công Dự án nhằm từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất của Đại học Thái Nguyên, tạo điều kiện để Đại học tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo và chất lượng nghiên cứu. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Thái Nguyên, xứng đáng là trung tâm đào tạo hàng đầu của khu vực và cả nước, hướng tới trở thành đại học số, đại học xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Lễ khởi công
Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Thái Nguyên đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu khu vực trung du mà miền núi phía bắc, một trong 3 trung tâm giáo dục đào tạo lớn nhất cả nước.
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III là hoạt động khẳng định quyết tâm của đất nước và Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới, mạnh mẽ chuyển mình từ một trung tâm công nghiệp truyền thống sang trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đây cũng là nền tảng để Thái Nguyên khởi tạo tiến trình phát triển và làm chủ hệ sinh thái 5 lĩnh vực công nghệ chiến lược là lợi thế của Việt Nam và của Thái Nguyên, theo phương châm “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
“Tỉnh Thái Nguyên cam kết nỗ lực phấn đấu cùng cả nước triển khai và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, lấy đào tạo nhân lực chất lượng cao là đột phá quan trọng nhất”, ông Dũng khẳng định.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021-2025
Khẳng định vị thế Đại học vùng hàng đầu của cả nước
Đại học Thái Nguyên với 30 năm xây dựng và phát triển đã được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng nhiều nguồn vốn, nhiều chương trình khác nhau. Trong đó, có 4 Dự án đầu tư trung hạn (Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước I; Dự án đầu tư trung hạn Đại học Thái Nguyên bước 2, giai đoạn 2008-2011; Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước II (7 hạng mục còn lại) và Dự án Đầu tư Xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III, giai đoạn 2021-2025.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu góp phần nâng cao vị trí của từng trường, hoàn chỉnh quy hoạch Đại học Thái Nguyên trong hệ thống đại học khoa học quốc gia. Đồng thời, tạo cảnh quan khu vực, tăng cường, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu làm việc, giảng dạy của cán bộ Đại học Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tập luyện, rèn luyện sức khỏe của sinh viên.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng hệ thống Quản trị nội bộ của Đại học đảm bảo tính thống nhất từ đại học đến các đơn vị thành viên, tăng khả năng kết nối giữa các nền tảng sẽ triển khai trong thời gian tới, từng bước chuyển đổi số toàn diện Đại học Thái Nguyên dựa trên dữ liệu chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” góp phần xây dựng và phát triển toàn đại học bền vững.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khởi công
Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 4/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 4 trường đại học thành viên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc.
Đại học Thái Nguyên là một trong 3 đại học vùng của cả nước, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và phát triển vùng. Trải qua 31 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh; hiện có 7 trường đại học thành viên: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Đại học Khoa học; 1 trường cao đẳng: Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Trường Ngoại Ngữ, Khoa Quốc tế, 2 Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang, Nhà xuất bản và 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đội ngũ gần 3.000 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ cao với gần 200 Giáo sư, Phó Giáo sư và trên 1.000 Tiến sĩ ở tất cả các lĩnh vực: kỹ thuật và công nghệ, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế và quản lý, khoa học xã hội và nhân văn.
Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng của Đại học Thái Nguyên hiện nay là hơn 80.000 người học và hiện đang đào tạo cho trên 1.000 lưu học sinh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2021-2025 không chỉ là dấu mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của Đại học Thái Nguyên mà còn khẳng định vai trò, vị thế của Đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đại học Thái Nguyên đang từng bước khẳng định là đại học số, đại học xanh và là trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - đúng với định hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.